Xăng dầu có đáp ứng được chuẩn khí thải Euro 4?
- Thứ năm - 16/03/2017 12:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Do tâm lý chờ đợi được trì hoãn lộ trình áp dụng, nên nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn chưa cung cấp xăng dầu theo tiêu chuẩn khí thải mới Euro 4 như quy định là từ 1/1/2017. Ngoài e ngại tăng chi phí, nguy cơ gian lận, bài toán đầu ra cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng là vấn đề khi áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới.
Nên áp dụng một tiêu chuẩn để chống lãng phí, gian lận
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết, từ đầu tháng 3, Tập đoàn đã cung cấp ra thị trường xăng RON 95 (RON 95-IV) đáp ứng tiêu chuẩn khí thải 4 (Euro 4). Theo đó, sản phẩm này bước đầu được cung cấp tại thị trường TP.HCM và miền Bắc. Dự kiến, từ nay đến hết tháng 6, Petrolimex sẽ “phủ sóng” RON 95-IV tại tất cả điểm phân phối trên toàn quốc. Giá bán xăng RON 95-IV của Petrolimex hiện là 18.870 đồng/lít áp dụng tại Vùng 1 và 19.240 đồng/lít tại Vùng 2. So với xăng tiêu chuẩn khí thải II, III (RON 94 II, III), xăng RON 95-IV có giá cao hơn 150 đồng/lít, tương ứng 8%.
Các doanh nghiệp xăng dầu cho rằng, chỉ nên áp dụng thống nhất một mức tiêu chuẩn khí thải - Ảnh: K.Linh
Như vậy, với người đi xe máy trung bình trên dưới 400 km/tháng, chi phí xăng dao động từ 200-300 nghìn đồng/tháng, nếu chuyển sang sử dụng loại xăng có tiêu chuẩn khí thải mới như RON 95-IV, mỗi tháng sẽ phải chi thêm 15-20 nghìn đồng. Tương tự, với người đi ô tô, nếu chi phí xăng dầu 1,5-2 triệu đồng/tháng, chi phí tăng thêm cho xăng mới khoảng 120-160 nghìn đồng mỗi tháng. Còn nếu tính chung cả thị trường với mức tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn xăng/năm, chi phí tăng thêm khi tiêu dùng xăng mới khoảng 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngoài Petrolimex, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác vẫn chưa bán ra thị trường xăng dầu có tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro), thông tin với Báo Giao thông, trước đó, một số bộ, ngành, doanh nghiệp có kiến nghị lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ 1/1/2017 nên Saigon Petro vẫn chưa triển khai. Tuy nhiên, nay Thủ tướng quyết định giữ nguyên lộ trình, doanh nghiệp sẽ thực hiện ngay. “Hệ thống phân phối đã có sẵn, chúng tôi ký hợp đồng nhập khẩu thì chỉ một tháng là hàng về tới nơi, thậm chí nhanh hơn”, ông Sang nói.
Theo Thông báo kết luận tại cuộc họp hồi đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giữ nguyên lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải ôtô, xe máy theo quy định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011. Theo đó, các loại xe ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ ngày 1/1/2017 và mức 5 từ ngày 1/1/2022; xe mô tô áp dụng mức 3 từ ngày 1/1/2017. Để các phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn mới này, sản phẩm nhiên liệu cũng phải áp dụng lộ trình tương ứng. Trước đó, nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp kiến nghị lùi lộ trình áp dụng. |
Ông Sang cho rằng, nếu đã chủ trương áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới thì nên áp dụng thống nhất chỉ một loại thay vì nhiều loại cùng lúc. Vì nếu cùng một loại xăng RON 95 mà cung cấp hai loại 3 và 4 thì doanh nghiệp sẽ phải đầu tư hai cột bơm, đi kèm đó, lượng nhân viên cũng phải tăng thêm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ xăng tiêu chuẩn cao hơn chưa nhiều, ước chỉ 10-20%. Như vậy, chi phí đội lên cao, song doanh thu tăng chưa tương xứng, doanh nghiệp lấy đâu ra lãi!
Cùng chung quan điểm đầu tư như vậy là lãng phí, Chủ tịch HĐQT Petrolimex Bùi Ngọc Bảo còn e ngại, nếu không sớm thống nhất một tiêu chuẩn, sẽ có thêm nguy cơ gian lận. “Sẽ không tránh khỏi tình trạng nhập nhèm, cùng một loại xăng nhưng có thể treo biển hai loại, bán hai giá khác nhau. Trong khi đó, xăng ở hai tiêu chuẩn song vẫn sử dụng được bình thường, chỉ khác nhau khí thải ra thì người tiêu dùng bình thường sao phân biệt được”, ông Bảo cảnh báo.
Xăng trong nước hiện chỉ đáp ứng tiêu chuẩn khí thải 3 vẫn có nguồn tiêu thụ là xe máy - Ảnh: K.Linh
Lúng túng đầu ra cho hàng “nội”
Ông Đặng Vinh Sang cũng băn khoăn, thị trường xăng dầu nội địa được cung cấp một lượng lớn từ Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Tuy nhiên, công nghệ hiện tại của nhà máy này chỉ cho “ra lò” được xăng dầu theo tiêu chuẩn khí thải Euro 3. Do vậy, nếu áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu, sản phẩm của Dung Quất sẽ phân phối đi đâu?
PV Báo Giao thông mang băn khoăn này trao đổi với ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh NMLD Dung Quất, ông Giang thừa nhận, đúng là hiện tại NMLD Dung Quất mới sản xuất xăng dầu đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 3. Tuy nhiên, hiện nay, nhà máy đang thực hiện lộ trình mở rộng, nâng cấp để có thể cung ứng sản phẩm có tiêu chuẩn cao hơn.
“Dự kiến, năm 2021 mới hoàn thành dự án mở rộng, nâng cấp nhà máy, có nghĩa 3-4 năm nữa chúng tôi mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường”, ông Giang nói. Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông: “NMLD Nghi Sơn chuẩn bị như thế nào để thực hiện lộ trình tiêu chuẩn khí thải mới”, ông Trần Khắc Hiệp, Trưởng ban Dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn cho biết, nhà máy đã nâng cấp công nghệ, đang chạy thử. “Dự kiến, tháng 7 này chúng tôi chính thức cung cấp sản phẩm xăng dầu theo tiêu chuẩn khí thải Euro 4 ra thị trường”, ông Hiệp thông tin.
Vậy trong lúc “hàng” trong nước chưa đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới, doanh nghiệp xăng dầu làm gì? Ông Bùi Ngọc Bảo nói thẳng, Petrolimex không có trách nhiệm phải bao tiêu sản phẩm cho đơn vị nào. Nhà sản xuất xăng dầu nào đáp ứng được yêu cầu chất lượng, giá cả thì Petrolimex mua hàng. Và thực tế thì từ tháng 3 đến nay, doanh nghiệp đã nhập khẩu xăng dầu đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 để phân phối.