Vụ Hải quan Hải Phòng đòi phí “bôi trơn”: Đó là tại sao họ ở nhà lầu, đi xe sang...
- Thứ ba - 10/04/2018 06:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hàng trăm bình luận đã được gửi về, trong đó, đa phần là những bình luận khen ngợi bài báo đã thể hiện được thực tế tồn tại nhiều năm nay tại nhiều cảng.
Bạn đọc Hà Trang sau khi đọc được bài báo thì dường như đã có câu trả lời cho thắc mắc bấy lâu. Cụ thể, bạn đọc này chia sẻ: “Bên cạnh nhà tớ có 2 ông làm hải quan. Vợ không làm gì, thế mà các ông ấy không những nuôi được cả nhà, mà nhà nào cũng ô tô xịn, con toàn học trường quốc tế.”
“Vợ cả ngày chỉ đi làm đẹp, cái nhà không quét phải thuê người dọn, tháng đi du lịch không dưới ba lần. Giờ mới biết họ kiếm tiền dễ thế. Thảo nào hàng xóm thường rỉ tai nhau mình làm cả năm bằng họ kiếm 1 tháng”, độc giả Hà Trang cho biết thêm.
Hình ảnh thường thấy ở Hải quan Hải Phòng do nhóm pv báo Lao động chụp
Rất nhiều người cảm thấy vui mừng khi sự thật được đưa ra ánh sáng, nhất là các doanh nghiệp. Độc giả Phạm Văn Hiệp không ngần ngại “kể tội”: “Công ty chúng tôi ở TP.HCM có xuất 1 lô hàng đi từ cảng Hải Phòng, đây là lần đầu chúng tôi xuất từ cảng này. Họ thấy công ty ở TP.HCM nên đã gây nhũng nhiễu và cuối cùng giữ lô hàng này 15 ngày với lý do phải phun trùng cho đúng qui định và bắt dỡ ra tại cảng làm.”
“Tiền chi phí cho chuyện này chúng tôi đã phải thanh toán cho cảng và các dịch vụ họ tự đẻ ra là 35 triệu đồng, khiến lô hàng đó chúng tôi bị lỗ. Chúng tôi không biết kêu ai. Doanh nghiệp phải làm rất nhiều thứ và chịu nhiều rủi ro mà vẫn không được số lãi 30 triệu đồng/container hàng. Họ ngồi không ăn chặn như vậy giết chết doanh nghiệp và diệt luôn người nông dân trồng ra sản phẩm”, độc giả Hiệp bức xúc.
Thậm chí, một số độc giả làm cho các công ty xuất nhập khẩu còn cho biết, 20 - 30 năm trước, tình trạng này đã xảy ra. Bạn đọc Nguyễn Cương xác nhận: “Quy trình làm việc với Hải quan cách đây 20 năm cũng không khác bài báo nêu là mấy, có điều hồi đó 50.000 đồng giá trị hơn bây giờ nhiều.”
Nhưng container mà các PV dùng để thâm nhập điều tra chỉ là lô hàng không gấp. Độc giả Long Quân cho biết: “Nếu sếp kêu lô hàng này lấy gấp thì nhân viên giao nhận như chúng tôi còn phải bỏ tiền túi ra thêm vào cho nhiều để thủ tục được nhanh hơn.”
“Ngán nhất nhập hàng dính luồng đỏ bị hành cho thì thôi rồi. Hàng về còn có kiểu tạm nhập về kho công ty chờ kiểm định trong khi khách hàng muốn lấy thì không biết phải làm sao còn hải quan bảo chưa cho thông quan”, độc giả Huy Hoàng than thở.
Bạn đọc Minh Đại sau nhiều lần đi làm thủ tục thì đã rút ra được kinh nghiệm để tránh mất thời gian và mất thêm tiền, đó là: “Ngày trước tôi tự đi làm, nhưng theo kiểu trả theo gói. Tức là nhờ 1 sếp bên đó làm từ A-Z mất khoảng 3 triệu đồng cho 1 container. Nhanh gọn nhẹ! Bởi công ty không có hàng thường xuyên phải nhập.”
“Bây giờ công ty 1 tuần nhập có khi mấy lần, nên làm việc với 1 công ty chuyên xuất nhập khẩu có trụ sở tại TP.HCM. Nhưng nói chung vẫn rắc rối vô cùng”, anh Minh Đại cho biết thêm.
Việc này dường như là điều hiển nhiên tại một số cơ quan hải quan bởi theo bạn đọc Phuc Nguyen: “Đến Hải quan qua trạm gửi xe cũng phải đưa tiền rồi. Huống chi mấy khâu quan trọng này. Không có gì lạ, không quá bất ngờ!”
Hải quan cửa khẩu Đình Vũ, nơi xảy ra sự việc/ Ảnh: Lao động
Nhiều độc giả đọc bài xong thì cũng như được trút nỗi lòng, anh Tran Van Duong đi làm thủ tục thay 1 người bạn cũng đã được nếm thử “mùi hành” từ cán bộ Hải quan, anh chia sẻ: “Cán bộ Hải quan câu giờ, hết giờ chiều thì phải bồi dưỡng tính thuế ngoài giờ. Sáng mai ra cảng lấy mẫu, lại chờ các cán bộ ăn sáng, 10 giờ có mặt, lại tiền, rồi mấy ông công nhân mở thùng lại tiền, ra cổng lại tiền mấy ông bảo vệ…”
Tưởng như đó đã là hết, bạn đọc Sang Nguyen lại kể ra một loạt bức xúc: “Đó chỉ là phần nhỏ, doanh nghiệp làm hàng gia công, sản xuất xuất khẩu thì còn phải kiểm tra nhà xưởng, máy móc, quy trình sản xuất để được nhập nguyên liệu miễn thuế.”
“Kết thúc hợp đồng làm chuyển nguyên phụ liệu, cuối năm tài chính làm báo cáo quyết toán. Khâu nào cũng chi ít vài chục nhiều thì tiền tỷ. Ấy vậy năm một lần, đến hẹn lại lên kiểm tra báo cáo quyết toán hàng năm, kiểm tra hợp đồng, định mức, hao hụt nguyên liệu, sổ sách xuất nhập tồn, xử lý phế liệu,...lôi ra bảo nhiều thì nhân với % thôi”, độc giả Sang Nguyen cho biết thêm.
Sau khi đọc những bình luận của độc giả thì có vẻ như tình trạng này đã xảy ra từ rất lâu, ai cũng biết và còn tồn tại ở rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Tuy nhiên, phải đến khi nó được phơi bày trên các mặt báo thì nó mới thực sự trở thành vấn đề.
Thế Hưng