Việt Nam ‘đau đầu’ với rau, quả miễn thuế từ TQ sắp tràn vào
- Thứ sáu - 04/11/2016 14:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sức ép cho nông sản Việt
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về biểu thuế nhập khẩu hàng hóa thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016-2018. Theo đó, sẽ có hàng trăm mặt hàng từ các nước thành viên ACFTA (Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Singapore, Myanmar, Malaysia, Lào, Indonesia, Campuchia, Brunei) sẽ có mức thuế 0% khi xuất khẩu vào Việt Nam.
Cụ thể, các mặt hàng được miễn thuế là rau củ quả; cá, tôm, mực; ca cao, bột; thịt và phụ phẩm của thịt sau giết mổ như thịt trâu, bò và gia cầm sống… Đáng nói, những mặt hàng này của Trung Quốc, Thái Lan vốn đã tràn ngập ở thị trường Việt Nam thì nay lại tiếp tục được miễn thuế, tăng thêm sức ép đối với thị trường nông sản Việt. Nhất là hiện nay, nông nghiệp Việt đang giảm tăng trưởng và phải đối mặt với hàng loạt khó khăn từ thiên tai, biến đổi khí hậu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điều này chắc chắn sẽ gây sức ép cho các ngành nông sản của Việt Nam. Bởi người tiêu dùng vẫn có mong muốn đa dạng hóa sản phẩm, có thêm sự lựa chọn. Khi hoa quả nước ngoài vào mà giá rẻ hơn trong nước thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn những sản phẩm đó.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng hoa quả của Thái Lan lại có chất lượng cao, giá cạnh tranh hơn hẳn so với mặt hàng của Việt Nam, giờ thêm hàng Trung Quốc được miễn thuế thì hàng Việt bị cạnh tranh gay gắt hơn hẳn.
Bà Lan cho rằng, khi hàng hóa được miễn thuế, giá rẻ tràn vào nhưng Việt Nam không xây dựng được công cụ, hàng rào kĩ thuật cần thiết để chứng minh được những sản phẩm đó là an toàn.
“Nhiều trường hợp hàng Trung Quốc vào, người tiêu dùng kêu là hàng bẩn, không an toàn nhưng những cơ quan kiểm định vẫn bảo là kiểm tra rồi, không thấy vấn đề gì. Trong khi đó, đối với những sản phẩm trong nước, nếu chỉ cần mắc lỗi nhỏ cũng ầm ĩ trên công luận” – bà Lan nói.
Do đó, bà Lan nhận định rằng, Nhà nước chưa có công cụ, thông tin hợp lý về sản phẩm bẩn. Cần thông tin rõ ràng cái nào bẩn, bẩn thế nào để nếu có xảy ra chuyện tẩy chay thì chỉ tẩy chay chỗ bẩn chứ không phải tẩy chay tất cả.
Tìm cơ hội trong cạnh tranh
Trong sân chơi hội nhập, cạnh tranh cũng chính là một cơ hội mà Việt Nam phải tận dụng. Nếu tận dụng tốt, đây là cơ hội cho Việt Nam cải cách vươn lên, nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh của mình.
Theo bà Phạm Chi Lan, tất cả cam kết trong hiệp định đã ký chúng ta đều phải thực hiện. Tuy nhiên, không thể thực hiện kiểu một chiều, tức là chỉ mở cửa cho sản phẩm bên ngoài vào mà không có kiểm soát, còn trong nước thì cứ ép, không tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước có thể vượt lên.
“Việc hội nhập là cần thiết, đó là sức ép để nông nghiệp thay đổi để tồn tại, không có cách nào khác. Sức ép của cạnh tranh là cạnh tranh về chất lượng, tính an toàn và truy xuất nguồn gốc, rất cần chuỗi giá trị. Từ sức ép này có thể biến thành cơ hội cho Việt Nam” – bà Lan nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng cần thiết phải thông tin đa chiều, rộng rãi đến nông dân, người tiêu dùng bởi họ cần thông tin đầy đủ về thị trường, về chất lượng sản phẩm, thậm chí phải biết ai phải chịu trách nhiệm nếu để sản phẩm bẩn lọt vào. Nhiều khi có thông tin gây hại hoành hành đã mấy ngày, gây hại rồi cơ quan nhà nước mới vào cuộc là hết sức chậm chạp.
“Hàng rào có dựng nên mà người giữ rào cứ nhắm mắt làm ngơ cho hàng bẩn vào thì không được. Cái chính là ở con người, ở trách nhiệm, lương tâm được nhà nước giao giữ hàng rào đó. Hàng rào nếu chỉ để chống người mình không thôi thì nó vô hiệu” – bà Lan nhấn mạnh.
Thực tế, theo bà Lan, chúng ta quá chiều chuộng, bỏ qua hoặc làm ngơ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, các sản phẩm nước ngoài không có lợi đối với trong nước, nhiều khi thấy vi phạm mười mươi mà vẫn không xử lý hiệu quả.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng cần phải tăng giá trị, giảm đầu vào. Nông nghiệp Việt Nam không thể làm như cũ, tiêu tốn quá nhiều nguồn lực để làm nông nghiệp.
“Cái giá của việc tiêu tốn nguồn lực đó là nó làm tiêu hao tài sản của xã hội, làm cho công sức của người nông dân phải bỏ ra rất nhiều mà không hề được trả công thích đáng. Trong khi giá cả khó cạnh tranh với bên ngoài” – bà Lan cho hay.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, các nhà khoa học cũng cần sát cánh cùng nông dân. Nhà nước cần tăng kiến tạo, giảm chỉ đạo, đa dạng hóa cây trồng, giảm bớt các doanh nghiệp nhà nước về nông nghiệp không hiệu quả...
Việc hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam cũng đặt ra nguy cơ Việt Nam phụ thuộc nặng nề hơn vào Trung Quốc. Bởi vì theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 36 tỉ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 21,3 tỉ USD.
Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan cho rằng, phụ thuộc nhiều hơn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cách ứng phó của Việt Nam. Nếu Việt Nam có giải pháp ứng phó tốt thì không đáng ngại.