Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Vấn đề đầu tiên của khởi nghiệp luôn là câu hỏi: "Tiền đâu?"

Vấn đề đầu tiên của khởi nghiệp luôn là câu hỏi: "Tiền đâu?"
Đó không chỉ là nỗi trăn trở của riêng doanh nhân Trần Việt Anh, Công ty Nam Thái Sơn mà còn là nỗi niềm chung của nhiều doanh nghiệp startup tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TPHCM vừa diễn ra. Theo đó, các doanh nghiệp đều mong muốn có sự đồng hành, sẻ chia từ phía các ngân hàng.

Start-up... khát vốn

Ông Trần Việt Anh cho biết, là doanh nghiệp khởi nghiệp cách đây hơn 20 năm, ông thấu hiểu nỗi khổ của cộng đồng start-up. Vấn đề đầu tiên của khởi nghiệp luôn là câu hỏi: "Tiền đâu?".

Từ một cơ sở với 50m2 của 20 năm trước, nhờ được tiếp cận vốn ngân hàng mà Nam Thái Sơn đã mở ra một chương mới với quy mô 1.000 lao động như hiện nay. Nhưng trong tiềm thức của ông Trần Việt Anh khi đó, tiếp xúc với ngân hàng khó vô cùng, phải qua rất nhiều kênh quan hệ. "Hình ảnh cách đây 20 năm của tôi về các cán bộ ngân hàng là họ rất đạo mạo, là cấp trên và cũng rất chậm chạp", ông Anh nói.

TPHCM cam kết thực hiện thường xuyên, dài hạn, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp hợp tác với ngân hàng

Sau 30 năm đổi mới, số lượng doanh nghiệp nhiều hơn và khối doanh nghiệp tư nhân cũng đã khẳng định được mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân của nước ta đa phần có xuất phát điểm nhỏ và sử dụng vốn tư nhân, vay bạn bè, họ hàng. Nhờ có nguồn vốn từ ngân hàng, chứng khoán... mà các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh. Sự phát triển của các doanh nghiệp có vai trò rất lớn của ngân hàng.

"Có những câu chuyện buồn, vui, thành công, thất bại... nhưng không thể phủ nhận quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng. Quan hệ đó có lúc gần gũi, có lúc xa", ông Việt Anh nói.

Trong nền kinh tế mở, ông Việt Anh mong rằng ngân hàng hãy công bằng với các doanh nghiệp. Dù doanh nghiệp vay 50 triệu hay doanh nghiệp vay 1.000 tỷ cũng cần được đối xử như nhau.

Doanh nhân này cho rằng, các ngân hàng có chương trình đầu tư mạo hiểm để startup khởi nghiệp vay với hình thức không thế chấp. Ngân hàng phải chấp nhận, chia sẻ thất bại, đồng hành với startup để đi đến thành công.

"Giới doanh nhân chúng tôi mong muốn chương trình kết nối doanh nghiệp phải được mở rộng. Phải hỗ trợ nguồn vốn cho khởi nghiệp. Các tổ chức tín dụng nên tập trung vào dòng tiền dự án để cho vay chứ không chỉ nhìn vào nhà cửa, xe cộ, máy móc", ông Việt Anh mong muốn.

Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết, sau 4 năm thực hiện, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã trở thành thương hiệu và khẩu hiệu hành động của riêng TPHCM.

Theo ông Minh, ngân hàng cần gần gũi hơn với doanh nghiệp. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ...

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp THCM cũng cho biết, "Hòn ngọc Viễn Đông" còn hơn 100.000 doanh nghiệp... "chắc chắn bệnh". Do đó, ngân hàng cần đóng vai trò là bác sĩ, xem doanh nghiệp đó bị bệnh ở cấp độ nào để giải cứu cho phù hợp. Ông Minh cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghêp đã tiếp cận nguồn vốn nhưng chưa lấy được vốn vì thủ tục nhiêu khê.

"Chủ trương hiện nay là phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, kiến tạo nhưng doanh nghiệp không thể một sớm một chiều là lớn mạnh như những doanh nghiệp có bề dày nhất định. Nếu khám kỹ, biết bệnh gì thì chắc chắn sẽ cứu được. Bởi lúc vui vẻ, làm ăn tốt thì doanh nghiệp giúp ngân hàng, giờ doanh nghiệp bệnh thì ngân hàng phải ra tay cứu vớt làm sao để cả 2 đều vui thì mới... fair-play", ông Minh nói.

Doanh nghiệp Start-up rất... khát vốn

Xử lý ngân hàng gây khó dễ cho doanh nghiệp

Tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, giai đoạn 2016-2020, TPHCM quyết tâm chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu nên sẽ đổi mới mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"TPHCM cam kết thực hiện thường xuyên, dài hạn, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp hợp tác với ngân hàng. Xây dựng niềm tin bền vững giữa doanh nghiệp với ngân hàng để phấn đấu đến năm 2020, TPHCM đạt mục tiêu có 500.000 doanh nghiệp", ông Tuyến cam kết.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, ngành ngân hàng TPHCM sẽ có chương trình hành động lâu dài, thường xuyên để đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những bức xúc của doanh nghiệp đều được xử lý. Nếu có doanh nghiệp phản ánh tiếp cận vốn khó, ngân hàng làm khó làm dễ doanh nghiệp thì sẽ kiểm tra, xử lý ngay.

"Các doanh nghiệp đừng ngại phản ánh với chúng tôi khi bị làm khó dễ trong tiếp cận vốn với ngân hàng. Chúng ta làm việc đối thoại, nên có bức xúc gì, cứ phản ánh, chúng tôi sẽ kiểm tra ngay", ông Lâm nói.

Công Quang

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây