Tỷ phú nhập cư làm nên giấc mơ Mỹ từ hai bàn tay trắng
- Thứ năm - 13/10/2016 01:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chỉ mới học hết cấp 3, cặp vợ chồng Do Won Chang và Jin Sook quyết định di cư đến Mỹ để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ hai bàn tay trắng, họ lập nên đế chế thời trang Forever 21.
Doanh nghiệp nổi tiếng với thời gian sản xuất nhanh, từ lúc phác thảo mẫu đến lúc sản xuất xuất hiện tại cửa hàng chỉ mất vài ngày. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng khá bình dân, rất ít thứ có giá cao hơn 30 USD.
“Chúng tôi tiếp tục thay đổi và luôn nghĩ về khách hàng. Đó là lý do tại sao chúng tôi thành công. Làm về mảng thời trang của phụ nữ rất khó bởi nó luôn thay đổi. Thời trang thay đổi rất nhanh, vì vậy thời gian là điều quan trọng nhất”, ông chia sẻ.
Do Won được đánh giá là một trong những người nhập cư thành công nhất tại Mỹ. Ảnh: Forever 21. |
Khối tài sản ròng của Do Won, 57 tuổi, và Jin Sook, 60 tuổi, hiện là 2,9 tỷ USD, xếp thứ 222 trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ. Forever 21 có giá 4,4 tỷ USD và sử dụng 43.000 lao động, gồm 11.000 người làm việc toàn thời gian tại 790 cửa hàng trên 48 quốc gia.
“Tôi từng mơ đến Mỹ khi còn là một cậu bé học lớp 6”, ông nói.
Mỗi ngày làm việc 19 tiếng
Theo Forbes, khi mới đến nước Mỹ, Do Won mới chỉ là một chàng trai 22 tuổi. Không lãng phí thời gian, ông bắt đầu xin làm rửa bát và chuẩn bị các món ăn trong nhà bếp tại một quán cafe ở thành phố Los Angeles.
“Tôi làm việc với mức lương tối thiểu, khoảng 3 USD một giờ”, Do Won nhớ lại.
Tuy nhiên, mức lương này không đủ để nuôi gia đình nên ông phải làm thêm tại trạm xăng. Bên cạnh đó, ông cũng làm dọn dẹp văn phòng. Mỗi ngày, Do Won làm việc 19 tiếng. Trong khi đó, Jin Sook, khi đó 25 tuổi, làm thợ cắt tóc.
Khi làm việc tại trạm xăng, ông nhận thấy những người đàn ông trong ngành công nghiệp thời trang lái những chiếc xe đẹp nhất. Điều đó truyền cảm hứng cho Do Won tới làm việc tại một cửa hàng quần áo.
“Tôi làm việc như thể đó là cửa hàng của tôi và ông chủ thực sự thích”, ông kể.
Sau 3 năm sống tại Mỹ, vợ chồng Do Won tiết kiệm được 11.000 USD. Năm 1984, họ mở một cửa hàng thời trang rộng 84 m2 gọi là Fashion 21 tại khu vực gần trung tâm thành phố Los Angeles.
Ông cho biết công việc kinh doanh của chủ cửa hàng trước đó, cũng về mảng quần áo, không tốt lắm, doanh thu chỉ khoảng 30.000 USD một năm. Tuy nhiên, công việc làm ăn của Fashion 21 khá phát đạt. Doanh thu chạm mốc 700.000 USD trong năm đầu tiên và cứ 6 tháng lại có một cửa hàng mới mở ra.
"Tôi đến Mỹ với hai bàn tay trắng và tôi luôn biết ơn vì đất nước này đã cho tôi cơ hội", Do Won chia sẻ.
Năm 2008, khủng hoảng kinh tế xảy ra, ông chủ của Forever 21 quyết định mở thêm cửa hàng với mục tiêu tạo ra 7.000 công ăn việc làm trong vòng một năm. Tại một buổi lễ thường niên với các nhân viên, ông tuyên bố công ty không chỉ tập trung vào việc bán hàng và lợi nhuận mà còn chú ý tăng số lượng việc làm.
Tuy nhiên, sau nhiều năm mở rộng tham vọng và tăng trưởng, doanh nghiệp hiện phải đối mặt với một số trở ngại. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ trực tuyến, Forever 21 phải đóng cửa một lượng lớn cửa hàng vào năm ngoái. Doanh thu năm 2015 ít hơn năm trước.
Thừa nhận những trở ngại mà công ty đang đối mặt nhưng Do Won vẫn tỏ ra lạc quan.
"Ngành công nghiệp may mặc hiện không dễ dàng. Doanh số bán hàng tại các trung tâm mua sắm giảm trong khi doanh số bán hàng qua mạng tăng. Tuy nhiên, chúng tôi đã sẵn sàng với thương mại điện tử. Với sự tiến công mạnh mẽ vào thị trường quốc tế, chúng tôi thực sự gặp khó khăn nhưng sẽ khắc phục điều đó trong năm nay", ông nhấn mạnh.
Ông chủ của Forever 21 cho rằng thành công của doanh nghiệp phải gắn với hạnh phúc của gia đình. Ảnh: Reuters. |
Hồi đầu năm, một số nguồn tin cho biết Forever 21 chậm trả tiền cho một số nhà cung cấp. Trong khi đó, một công ty giao hàng bỏ hợp đồng độc quyền với doanh nghiệp vì doanh số giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, ông chủ Forever 21 khẳng định việc kinh doanh vẫn suôn sẻ.
Gia đình là quan trọng nhất
Người đàn ông này cho hay tất cả chỉ là tương đối. Dù công việc trong những năm gần đây không như mong đợi, Do Won khẳng định gia đình quan trọng hơn bất cứ sự thành công nào khác.
"Đối với tôi, gia đình là quan trọng nhất. Khi người ta nói về giấc mơ Mỹ, họ đang nói về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nếu thành công trong công việc nhưng gia đình tan vỡ, đối với tôi, đó không thực sự thành công", ông nhấn mạnh.
Forever 21 hiện thuộc 100% sở hữu gia đình Do Won. Hai con gái của ông, Linda và Esther, cũng làm việc trong công ty.
Linda, giám đốc tiếp thị của Forever 21, cho biết điều tuyệt vời nhất là doanh nghiệp này là doanh nghiệp của gia đình, mọi thành viên gia đình đều tham gia. Tuy nhiên, cũng vì như vậy mà ngay cả trong bữa tối, gia đình họ cũng nói về kinh doanh. Thay vì những kỳ nghỉ, họ đi công tác.
"Các con của tôi cần phải học những nỗ lực mà bố mẹ chúng đã bỏ ra để gây dựng công ty. Chẳng ai có thể trông coi tài sản của bạn tốt hơn gia đình bạn", Do Won nói.
Tuy nhiên, hai cô con gái của Do Won và Jin Sook không phải là những người duy nhất có cảm hứng từ câu chuyện đi lên từ hai bàn tay trắng của họ.
"Forever 21 đem hy vọng đến cho những người gần như chẳng có gì trong tay. Đây là phần thưởng dành cho chúng tôi. Những người nhập cư vào Mỹ có thể đến Forever 21 để nhìn thấy rằng nơi này được xây dựng bởi những người có ước mơ giống họ", ông chia sẻ.
Tỷ phú chồng em gái Cẩm Ly sáng lập công ty tỷ đô ở MỹTỷ phú gốc Việt và giám đốc điều hành của Fidelity National Financial sẽ hợp tác trong việc thành lập một công ty liên doanh mới, tên là CF Corp, với tổng vốn là hơn 1,1 tỷ USD. |