Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Tuyên bố ngừng nhập, các hãng xe vẫn xin cấp phép kinh doanh ô tô nhập khẩu

Tuyên bố ngừng nhập, các hãng xe vẫn xin cấp phép kinh doanh ô tô nhập khẩu
Đó là thực trạng đang diễn ra phổ biến ở thị trường xe hơi Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là thời điểm trước và sau Nghị định 116 về lĩnh vực ô tô có hiệu lực.

Xe BMW nhập khẩu vào Việt Nam nhưng chưa được thông quan

Theo nguồn tin của Dân trí, trong mấy tuần gần đây, sau Toyota Việt Nam, GM Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam có giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, một loạt các doanh nghiệp khác như Suzuki, Mercedes Benz Việt Nam hay các công ty dịch vụ thương mại TCG, Kylin hay Kỷ Nguyên… cũng đồng loạt có văn bản đề nghị được cấp phép kinh doanh xe nhập khẩu.

Điều này trái ngược với thời điểm các quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô theo Nghị định 116 ở giai đoạn bàn thảo cũng như ban hành. Bởi vì, tại thời điểm ấy, doanh nghiệp nào cũng “kêu gào” thảm thiết rằng khó có thể đáp ứng được các quy định mà cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra. Họ cho rằng để đáp ứng được các điều kiện tại Nghị định 116 thì cơ hội có giấy phép nhập khẩu khó tựa hái sao trên trời.

Thậm chí Hiệp hội các nhà sản xuất và lắp ráp xe Việt Nam VAMA còn có văn bản khẩn kiến nghị Chính phủ xem xét lại Nghị định 116. Họ cho rằng một số yêu cầu mới của Nghị định là vấn đề lớn đối với tất cả các thành viên, vì Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia. Một số quốc gia áp dụng chính sách các nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số quốc gia cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể cấp Giấy chứng nhận này, nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống với hệ thống ở Việt Nam.

Chính vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể sẽ không chấp nhận do có sự khác biệt. Chẳng hạn như sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau.

VAMA còn đặt vấn đề các quy định như vậy liệu có phải xe nhập khẩu bị đối xử kém phần ưu đãi hơn, so với xe lắp ráp trong nước hay không? Ít nhất việc kiểm tra về khí thải, tính an toàn, được thực hiện từng lô xe nhập khẩu, với mỗi loại xe ô tô, sẽ dẫn dến việc nhập khẩu bị đối xử kém phần ưu đãi hơn, so với xe nội địa, về tần suất kiểm tra. Thêm vào đó, do chưa quy định rõ ràng về tiêu chuẩn kiểm tra, nên không thể xác nhận được rằng, xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, được đối xử tương tự như xe sản xuất trong nước, bức thư nhấn mạnh.

Nói là vậy, kêu ca là thế nhưng thực tế, theo tìm hiểu của Dân trí, chỉ trong vòng hơn một tháng qua đã có tới cả chục doanh nghiệp có đơn đề nghị được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô. Trong đơn đề nghị của mình, doanh nghiệp nào cũng liệt kê đầy đủ giấy đăng ký kinh doanh, giấy ủy quyền triệu hồi xe của nhà sản xuất, giấy chứng nhận xưởng bảo hành bảo dưỡng xe ô tô. Điều đặc biệt là, các doanh nghiệp này đều có cam kết thực hiện đúng quy định của Nghị định số 116 ngày 17/10/2017 của Chính phủ.

Các dòng xe mà doanh nghiệp đề nghị nhập khẩu có sự góp mặt của đầy đủ các thương hiệu như Mercedes-Benz, Toyota, Suzuki, Hyundai, Toyota, Lexus, Mitsubishi, Zotye…

Hiện tại, 3 doanh nghiệp ô tô đã nhận được giấy phép kinh doanh nhập khẩu do Bộ Công Thương cấp gồm Công ty Toyota Việt Nam, Công ty GM Việt Nam, Công ty Mitsubishi Việt Nam… Các doanh nghiệp khác vẫn đang xem xét và dự kiến sẽ được cấp trong thời gian sớm nhất. Theo đó, Công ty Toyota Việt Nam được phép nhập khẩu ô tô con nhãn hiệu Toyota và Lexus, xe khách và xe tải nhãn hiệu Toyota. Tất cả đều là xe chưa qua sử dụng.

Đối với GM Việt Nam, giấy phép được cấp để nhập khẩu ô tô con (SUV) cho nhãn hiệu chevrolet Traiblaze và ô tô tải pick up Chevrolet Collorado đều chưa qua sử dụng. Giấy phép cấp cho Công ty Ô tô Mitsubishi Việt Nam có xe con và xe bán tải nhãn hiệu Mitsubishi đều chưa qua sử dụng.

Theo một chuyên gia am hiểu về ngành công nghiệp ô tô, những khó khăn trong việc nhập khẩu ô tô từ đầu tháng 1/2018 đến nay thực ra chủ yếu là do các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải thiếu văn bản hướng dẫn cho Nghị định 116/NĐ-CP.

"Chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ nên tại cửa khẩu, cán bộ Hải quan không biết DN nhập phải có những giấy tờ gì mới đáp ứng đủ điều kiện thông quan, cho nhập nên thực tế, số lượng xe được nhập từ đầu tháng đến nay rất ít, chứ không phải hoàn toàn do nội dung của Nghị định 116 đâu", chuyên gia này cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, mặc dù Nghị định 116 rõ ràng là siết chặt lại khá nhiều điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, nhưng không phải vì khó khăn như vậy mà các DN nước ngoài sẽ ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu xe tại Việt Nam vì dù sao, nhu cầu trên thị trường ô tô Việt Nam vẫn rất lớn và không một doanh nghiệp nào muốn bỏ qua.

H.Anh

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây