Tránh cơ chế xin - cho, Bộ Công Thương lần đầu đấu giá nhập đường
- Thứ tư - 07/09/2016 22:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến 17 giờ ngày 6/9, có 25 hồ sơ tham gia đấu gia, trong đó có 9 hồ sơ đấu giá đường thô (nhưng 1 hồ sơ xin rút) và đường tinh luyện có 16 hồ sơ của các thương nhân trực tiếp tham gia sản xuất. Sau khi đối chiếu chỉ có 22 hồ sơ hợp lệ, trong đó đường thô có 8 hồ sơ thương nhân hợp lệ và 14 hồ sơ thương nhân hợp lệ đối với đường tinh luyện.
Theo công bố của Hội đồng đấu thầu, có 3 công ty trúng thầu nhập khẩu đường thô bao gồm: Công ty cổ phần Đường Biên Hòa số lượng trúng 14.444 tấn; Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh trúng thầu 14.444 tấn; Công ty Đường Khánh Hòa trúng 11.110 tấn
Đối với mặt hàng Đường tinh Luyện (số lượng 45.000 tấn), có 8 đơn vị trúng thầu, cụ thể: Công ty Trách nhiệm hữu hạn URC Việt Nam trúng 4.000 tấn; Công ty TNHH Puratos Grandplace Việt Nam trúng 2.000 tấn; Công ty Perfetti Van Melle trúng 6.000 tấn; Công ty Nước giải khát Coca Cola Việt Nam trúng 4.000 tấn; Công ty TNHH Nestle Việt Nam trúng 9.000 tấn, Công ty cổ phần sữa Vinamilk trúng 16.000 tấn; Công ty cổ phần Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam trúng 1.000 tấn và Công ty Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (nhà máy cafe Sài Gòn) trúng 3.000 tấn.
Trước đó, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 07/2016/TT-BCT quy định về nguyên tắc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 vừa mới ban hành, có hiệu lực từ ngày 29/6/2016 đến ngày 31/12/2016. Theo Thông tư, lượng đường đấu giá (Mã HS 1701) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2016 là 85.000 tấn đường.
Theo đó, việc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 được thực hiện thông qua Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 do Bộ Công Thương thành lập. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định về pháp luật bán đấu giá phù hợp với tính chất tài sản bán đấu giá.
Đối tượng áp dụng quy định tại Thông tư là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện; các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2016.
Sau khi có Báo cáo kết quả đấu giá của Hội đồng đấu giá, Bộ Công Thương sẽ có văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho thương nhân trúng đấu giá.
Trước phiên đấu giá này, các công ty lớn sẽ được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường nhưng số lượng hạn chế. Trong trường hợp không đủ phục vụ nhu cầu sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải mua thêm của các nhà máy trong nước hoặc đàm phán với các đối tác nhập khẩu khác với mức giá cao hơn.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ đầu năm 2016 đến nay, mặt hàng đường trong nước liên tục tăng giá, mức tăng bình quân 10%-15% so với đầu vụ và tăng 20%-30% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của tình hình nắng nóng, hạn mặn nên sản lượng mía mùa vụ 2015-2016 giảm gần 200.000 tấn, tương đương khoảng 10% so với niên vụ trước.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương đưa ra tính toán cho hay, năm nay, do lượng đường sản xuất trong nước giảm nên không đủ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa. Do đó, ngoài 85.000 tấn đường trong hạn ngạch, Việt Nam cần nhập thêm 200.000 tấn để bù đắp thiếu hụt.
Hiện thuế suất nhập khẩu đường trong hạn ngạch thuế quan là 5% từ các nước ASEAN; và 25% đối với đường thô, 40% đối với đường trắng nếu nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN. Thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan là 80% đối với đường thô, 85% đối với đường trắng.
Phương Dung