Thủ tướng: Nền kinh tế còn nhiều vấn đề cố hữu, trì trệ
- Thứ năm - 06/10/2016 10:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không dùng tiền ngân sách, không giải quyết được cơ bản vấn đề nợ xấu
"Mỗi khi quyết định chi tiêu ngân sách phải đặt 3 câu hỏi. Đó là có tiết kiệm không, có lãng phí không, có hiệu quả không?", đây là một trong những nội dung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra.
Theo Thủ tướng, giai đoạn 2017-2021, yêu cầu đầu tư rất lớn, nhưng khả năng chỉ có mức độ, do đó các bộ, ngành, địa phương đều xếp thứ tự ưu tiên các công trình đầu tư của quốc gia cũng như địa phương.
Thủ tướng lưu ý, tài sản công là nguồn lực lớn, nhưng chưa kiểm soát hiệu quả, nên phải được thống kê, phân loại, định giá thị trường đối với tài sản có khả năng sinh lợi để quản lý hiệu quả hơn, nhất là với các thành phố lớn.
Theo đó, Bộ Tài chính nghiên cứu hướng dẫn các thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, kiểm kê đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản công hiện nay, đề xuất mô hình quản lý công theo hướng thị trường, tránh hành chính hóa hoặc bao cấp. Bộ Tài chính cần mời chuyên gia độc lập để đánh giá tài sản để đề xuất hình thức.
Thêm một vấn đề lớn đặt ra trong năm 2017 là tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu. Thủ tướng nhấn mạnh: “Đối với nợ xấu thì nhiều chuyên gia báo cáo rằng, nếu không dùng tiền tươi thóc thật, không dùng ngân sách thì không giải quyết được cơ bản vấn đề nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước nên sớm đề xuất vấn đề này”. Vì vậy, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước sớm trình đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, xử lý dứt điểm nợ xấu.
Năm 2017, Chính phủ đẩy mạnh trao quyền tự chủ, xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả cổ phần hóa những đơn vị đủ điều kiện. “Chúng ta không ép, không vội vàng, cổ phần hóa một cách bừa bãi. Xã hội hóa xong phải phục vụ người dân tốt hơn, không phải chạy theo tiền, không lo phục vụ đúng chức năng nhiệm vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có hội nghị toàn quốc vấn đề này. Việc thoái vốn ngoài ngành là yêu cầu đặt ra, nhưng yêu cầu đặt ra lớn hơn, nhất là đối với một Chính phủ kiến tạo liêm chính, là công khai, minh bạch, không để lợi ích nhóm thao túng, mang về lợi ích tối đa cho Nhà nước.
Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành khẩn liên quan hoàn thành danh sách các doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa, thoái vốn tiếp theo, với lộ trình, trách nhiệm rõ ràng.
Còn nhiều vấn đề cố hữu, trì trệ
Theo nhìn nhận của người đứng đầu Chính phủ, thời gian qua, Chính phủ tập trung nhiều vào xây dựng thể chế; đã dành thời gian tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, ban hành nhiều quyết sách được người dân và doanh nghiệp hoan nghênh.
“Hình ảnh Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động bước đầu nhận được phản hồi tốt của người dân và doanh nghiệp. Tất nhiên, để xây dựng một Chính phủ như thế còn phải rất nhiều cố gắng”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu thực tế, 9 tháng qua, mới đạt tăng trưởng 5,93%. Muốn đạt tăng trưởng 6,3-6,5% thì GDP quý IV phải tăng 7,1-7,3%. Mức này của năm 2016 đòi hỏi sự phấn đấu cao. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, mỗi thành viên Chính phủ phải có quyết liệt cụ thể hơn để chuyển biến tình hình, phải có cách làm mới tốt hơn nữa, khắc phục cách làm cũ không phù hợp của yêu cầu mới. Nhất là những tồn tại kéo dài như nợ xấu, nợ công, tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, sự chậm trễ phát triển các doanh nghiệp nội địa...
“Người ta nói, ở các nước tiên tiến phát triển như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, dấu hiệu đầu tiên của sự phát triển, tăng tốc, tức là những công trình đầu tư xây dựng phải làm nhanh, vượt mức. Còn ở ta, có tình trạng nhiều công trình ê a kéo dài. Đấy là điều phải khắc phục”, Thủ tướng nhận xét.
Thủ tướng cũng nêu rõ: Những vướng mắc trong pháp luật mà thuộc thẩm quyền của bộ và Chính phủ thì phải sửa ngay. Thủ tục gia nhập thị trường, rút khỏi thị trường phải dễ dàng, thuận lợi hơn. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ liên quan rà soát lại quy trình đóng cửa doanh nghiệp. Thị trường có vào có ra thì xã hội mới phát triển. “Hay vấn đề ngân sách, nợ công là vấn đề cấp bách và lâu dài. Chúng ta phải triển khai mạnh mẽ, cần có bước chuyển lớn trong tư duy quản lý ngân sách, quản lý tài sản công”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá vẫn còn nhiều vấn đề cố hữu, trì trệ của nền kinh tế, phức tạp của nền kinh tế quy mô nhỏ vẫn đang rình rập, vì vậy, năm 2017 và năm đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đề nghị, mỗi bộ cần dự thảo kế hoạch hành động của mình, với tinh thần tấn công, đột phá.
“Ví dụ bong bóng bất động sản, có nguy cơ không, biện pháp chủ động nào? An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề xã hội đang quan tâm, cũng phải xử lý dứt điểm vấn đề này có kết quả đến nơi đến chốn. Hay chúng ta đang nói xã hội có năng suất lao động thấp, biên chế chưa giảm được bao nhiêu, phải có giải pháp nào? Đặc biệt là vấn đề cá chết ở nhiều địa phương phải chủ động khắc phục”, Thủ tướng nêu.
Bích Diệp