Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


"Thợ săn" thu phục cá leo cây, 5 tiếng bỏ túi nửa triệu đồng

"Thợ săn" thu phục cá leo cây, 5 tiếng bỏ túi nửa triệu đồng
Cá còi là loài cá kỳ lạ nhất hành tinh khi vừa biết lặn, chạy trên mặt nước, trên cạn, lại vừa biết leo cây... thế nhưng đều khuất phục dưới bàn tay của những "thợ săn" là nông, ngư dân nơi đây.

Bàn tay điệu nghệ

Theo chân những người thợ “săn” cá còi gần 1km, với khoảng đường lội bì bõm dưới lớp bùn sâu 30-40cm mới thấy được nghề săn cá còi cũng khổ cực như bao nghề khác. Bù lại sự vất vả đó là niềm vui, giá bán cá còi luôn ổn định, có thời điểm “cháy hàng” không đủ nhập cho thương lái.

Cá còi sống ở cửa sông, biển, nơi có mực nước không cao, lên xuống hằng ngày. Cá thường đào hang, lỗ để sinh sống, khi thủy triều rút thì chúng kéo lên mặt bùn kiếm ăn và phơi nắng, nếu thấy tiếng động hay có bóng người lập tức chúng lao ngay xuống hang ẩn nấp.

Bà con từ các thôn Đông Thành, Vạn Thắng, Ninh Phú (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đạp xe đi bắt cá. Ảnh: Minh Thượng

Muốn “thu phục” loài cá kỳ lạ này, người dân xã Đa Lộc đã “chế tạo” loại cần câu bằng thân cây trúc với chiều dài mỗi cần từ 1,5-2 mét, cước phải chọn cước đúc sợi nhỏ màu sáng, lưỡi câu buộc chùm không ngạnh. Thợ săn không cần chuẩn bị mồi câu, di chuyển nhanh nhẹ và khi phát hiện được cá phải đứng “bất động” quan sát, ngắm và vung cần về hướng con cá thật nhanh. Ngoài ra, có thể dùng đôi bàn tay lần đào theo hang, hách mà cá đang trốn dưới lớp bùn, đây là cách bắt hiệu quả và truyền thống nhất.

Đợi thủy triều rút và xuống biển. Ảnh: Minh Thượng

Bà Nguyễn Thị Lực, người có nhiều năm kinh nghiệm bắt cá còi bằng tay nay đã “nghỉ hưu”, chia sẻ: “Nếu muốn bắt được nhiều cá, ngoài sức bền, nhanh tay, nhanh mắt thì những người thợ phải có sự phán đoán theo hướng “vùng đất mới” mà dấu vết cá để lại sau những lần chúng đi kiếm ăn rồi quay về tổ. Dụng cụ đựng cá phải bằng giỏ tre nhằm thoáng khí, có ít bùn, nước lọt vào cá mới sống lâu, lên bờ không bị thương lái ép giá”.

Cá còi dài chừng 10-15 cm, lớn bằng ngón tay, mắt lòi ra, đầu hình cá trê với hàm răng sắc nhọn, da màu đen có nhiều hoa văn với hình dáng giống cá bống, tươi lâu. Đặc biệt, thịt cá rất thơm được mọi người ví “cá còi béo hơn thịt lợn”, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như kho, nấu, rán…tùy vào sở thích từng người.

Đặc sản “xuất ngoại”

Nghề bắt cá còi đã có từ nhiều đời nay tại bãi bồi xã Đa Lộc, chúng có nhiều nhất vào tháng giêng đến cuối tháng 5 (âm lịch) hằng năm, cũng vào thời điểm này là lúc mùa sinh sản của cá còi. Lần theo con nước khi thủy triều xuống ngày trước cách ngày sau 1 tiếng đồng hồ là bà con từ các thôn Đông Thành, Vạn Thắng, Đông Hải, Đông Hòa…lại gọi nhau í ới cùng đi bắt cá.

Hầu hết phải lội bộ hơn 1km mới đến “đại bản doanh” của cá còi. Ảnh: Minh Thượng

Bà Trần Thị Thức (thôn Đông Thành) cho biết: “Mỗi ngày, có hàng trăm người đi bắt cá còi, phụ nữ thì đào bắt cá nấp ở dưới lớp bùn, còn đàn ông thì dùng cần câu với nhiều lưỡi câu chùm bắt cá đang đi kiếm ăn trên mặt bùn. Thời gian bắt cá tranh thủ khoảng 4-5 tiếng đồng hồ là nước thủy triều lên, trên bờ thương lái đã túc trực, giá bán hiện nay khoảng 200- 220.000 đồng/kg mà không có bán”.

Phương tiện di chuyển là một tấm vát lướt trên bùn. Ảnh: Minh Thượng

Qua trò chuyện với những người thợ bắt cá giữa bãi bồi mênh mông, phóng viên được biết, mỗi con nước (từng tháng) thì có thể xuống biển khoảng 15 ngày. Thông thường đầu con nước thời gian bắt cá kéo dài hơn, người bắt giỏi cũng bỏ túi 600-800.000đồng, người bắt kém bình quân cứ 300-400.000 đồng. Khi về cuối con nước, cá cũng giảm bớt và nước lên nhanh nên bắt được ít hơn.

Chăm chú tìm ổ của cá còi và dùng tay đào từng lớp bùn để tóm cá. Ảnh: Minh Thượng

Theo các thương lái thì cá còi ở Đa Lộc luôn “hot” ở các ở các nhà hàng, khách sạn và thị trường Trung Quốc rất thích. Đối với cá câu bằng lưỡi chùm thì phải bán luôn trong ngày, riêng cá đào bằng tay sống rất lâu nên thường đóng thùng để “xuất ngoại”.

Niềm vui khi bắt được những chú cá còi. Ảnh: Minh Thượng

Những chú cá còi nằm gọn trong giỏ. Ảnh: Minh Thượng

Ông Vũ Văn Đỉnh - Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: “Nghề bắt cá còi ở địa phương đã có từ lâu đời, đây là nghề phụ chỉ có mấy tháng, nhưng được cái thu nhập cũng cao hơn so với một số nghề khác. Đầu con nước cá nhiều, ai đào nhanh cũng kiếm 700-800.000 đồng/ngày, còn kém cũng 300-400.000 đồng/ngày. Mấy năm nay diện tích bãi bồi cũng giảm, cá ít dần nhưng bù lại giá cả lại cao bà con rất phấn khởi”.

Cá còi vừa biết lặn, chạy trên mặt nước, trên cạn, vừa biết leo cây… Cá còi sống ở cửa sông, biển, nơi có mực nước không cao, lên xuống hằng ngày. Cá thường đào hang, lỗ để sinh sống, khi thủy triều rút thì chúng kéo lên mặt bùn kiếm ăn và phơi nắng, nếu thấy tiếng động hay có bóng người lập tức chúng lao ngay xuống hang ẩn nấp.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây