Tại sao không có gói 30.000 tỷ cho 5 triệu hộ nuôi lợn?
- Thứ tư - 12/04/2017 15:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho việc giá lợn giảm, song có 2 tác nhân chính đồng thời tác động, đó là: Số đầu lợn tăng quá nhanh trong thời gian ngắn; đặc biệt là phía Trung Quốc đã hạn chế (chứ không phải ngừng hẳn) việc nhập khẩu lợn từ Việt Nam. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tổng đàn lợn tại nước ta hiện dao động từ 29-30 triệu con, lúc cao điểm lên tới hơn 30 triệu con với tổng sản lượng tới gần 5 triệu tấn.
Lợn của Việt Nam chủ yếu được xuất qua Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên rất rủi ro. Ảnh: TTXVN
Trung Quốc là một thị trường lớn, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn cao nhất thế giới, nên việc chúng ta xuất khẩu lợn sang nước này là chuyện hoàn toàn bình thường. Song có một điều đáng buồn là, hầu hết số đầu lợn xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu đi qua con đường tiểu ngạch: Không hợp đồng, không cam kết, không kiểm dịch… Chính kiểu làm ăn trên đã dẫn tới giá lợn cứ trồi sụt lúc lên, lúc xuống kéo dài suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, có thể khẳng định, chăn nuôi lợn là ngành nghề chính đối với 5 triệu nông hộ hiện nay ở nước ta, con lợn có ý nghĩa rất quan trọng đối với các gia đình nông thôn, bởi đó là nguồn thu nhập chính để họ trang trải các khoản chi tiêu, sinh hoạt, thậm chí còn để tạo nguồn thu, làm giàu cho bản thân.
Điều đó lý giải vì sao, dẫu biết giá lợn giảm, nhưng nhiều hộ vẫn không thể bỏ chuồng, không thể giảm đàn nái, bởi bỏ chuồng đồng nghĩa với thất nghiệp, mất nguồn thu nhập. Vì thế, nhiều hộ hiện nay vẫn vào đàn để hy vọng giá lợn sẽ sớm tăng giá trở lại, song trên thực tế, đó là điều quá xa vời so với thực tế hiện nay.
Giá lợn giảm không chỉ tác động đến đối tượng chính là người chăn nuôi, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, đến ngành trồng trọt và nhiều dịch vụ khác… Lợn cũng là vật nuôi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị của toàn ngành chăn nuôi. Bởi vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, nếu nhà nước không khẩn trương có các giải pháp để điều tiết, hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi lợn, đó sẽ là “thảm họa”. “Thảm họa” không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế, mà còn liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, việc làm, đến sự ổn định ở xã hội nông thôn - nơi có tới 5 triệu hộ đang nuôi lợn.
Bất động sản tồn kho, có gói 30.000 tỷ đồng để giải cứu, hay ngay trong ngành nông nghiệp, mỗi khi giá gạo xuống thấp, chính sách thu mua tạm trữ được áp dụng ngay. Còn với con lợn, có lẽ nào lại không có giải pháp nào để tiều tiết, giải cứu? Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng là Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương giải đáp.