Số phận thương vụ “bán mình” của Uber cho Grab sẽ ra sao?
- Thứ sáu - 06/04/2018 08:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trao đổi với Dân trí ngày 5/4, lãnh đạo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết Grab đã có chính thức báo cáo gửi cơ quan này liên quan tới thương vụ mua lại Uber. Vị này cho biết vẫn “đang xem xét và chưa có thông tin gì mới có thể cung cấp” trong thời điểm này”.
Sau lần trì hoãn nộp báo cáo hôm 3/4, Bộ Công Thương đã phải có công văn nhắc nhở Grab vì chậm trễ trong việc nộp báo cáo và yêu cầu doanh nghiệp này cam kết nộp trước ngày 6/4.
Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, quy định của Luật Cạnh tranh đó là những trường hợp mua bán - sáp nhập (M&A) mà có ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế.
Trong trường hợp Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, thì theo quy định, Grab - Uber phải gửi thông báo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán để cơ quan này xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán.
Nếu Cục Quản lý cạnh tranh thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Grab dù được chấp thuận sáp nhập với mảng hoạt động kinh doanh của Uber tại quốc gia nào thì với các quốc gia còn lại, hãng cũng không thể tiếp quản tài sản của Uber, nếu chính quyền sở tại có động thái không cho phép.
Thực tế tại một số nước trong khu vực, vẫn có trường hợp cơ quan chức năng đã từ chối thông qua một thương vụ sáp nhập và yêu cầu cả hai bên phải thay đổi cấu trúc cùng định hướng kinh doanh trước khi thông qua các điều khoản khác.
Nói với Dân trí, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết, trong thời hạn 45 ngày (trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp thì có thể gia hạn không quá 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày), kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ thông báo sáp nhập, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng phải có trách nhiệm trả lời cho doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, việc sáp nhập không thuộc trường hợp bị cấm;
Thứ hai, việc sáp nhập bị cấm và nêu rõ lý do cấm.
Ông Trương Thanh Đức cũng cho biết, nếu việc sáp nhập (tập trung kinh tế) thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nước nào thì phải tuân thủ quy định đó, nên việc phải làm thủ tục tại 1, một số hay cả 11 nước trong khu vực là tùy thuộc vào phạm vi ảnh hưởng và Luật cạnh tranh của các nước.
Bình luận thêm về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng rất khó trong việc xác định vi phạm trường hợp này. Cơ quan chức năng chưa xác định rõ Uber, Grab là kinh doanh taxi hay kinh doanh dịch vụ công nghệ thì chưa đủ cơ sở khẳng định thị phần kinh doanh taxi thế nào. Ít nhất cũng phải tách bạch được phần liên kết với các hãng taxi và phần còn lại (nếu có).
Trong khi đó tại Việt Nam, chiều ngày 5/4, Uber tiếp tục gửi thông báo đến khách hàng, thông tin việc chính thức ngừng hoạt động từ ngày 8/4 và chuyển giao lại toàn bộ tài sản cho Grab. Đồng thời “thúc giục” khách hàng sớm cài đặt ứng dụng Grab để tránh những bất tiện có thể xảy ra đối với việc đi lại hàng ngày.
Được biết, không chỉ cơ quan quản lý Việt Nam, liên tiếp ba nước khác tại Đông Nam Á (Philippines, Singapore và Malaysia ) cũng đã tiến hành điều tra thương vụ sáp nhập Uber vào gã khổng lồ Grab vì lo nguy cơ độc quyền. Đáng chú ý, Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) đã tuyên bố có đủ căn cứ hợp lý để nghi ngờ thỏa thuận Grab-Uber có thể triệt tiêu cạnh tranh tại thị trường Singapore.
Nguyễn Khánh