Sếp ngân hàng vướng vòng lao lý, công ty riêng ở ngoài lao đao
- Thứ hai - 10/10/2016 20:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Công văn Công ty TNHH Đại Lải gửi lên Bộ Tài chính và cơ quan thuế cho biết, ngày 17/7/2015, ông Đoàn Văn An, nguyên Chủ tịch HĐTV của Công ty đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra liên quan đến vụ án cố ý làm trái tại Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank). Ông An cũng được biết đến với vai trò là nguyên Phó Chủ tịch HĐQT GPBank.
Theo công văn, việc ông Đoàn Văn An bị bắt đã ảnh hưởng lớn tới uy tín và hoạt động kinh doanh của công ty. Đối với nghĩa vụ thuế, ban lãnh đạo mới của công ty đã nộp đủ số thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh từ tháng 8/2015-9/2016. Trong đó, số thuế phát sinh phải nộp là gần 10,9 tỷ đồng và hơn số thuế đã nộp 40,4 tỷ đồng.
Riêng số thuế còn nợ trước ngày ông An bị bắt, là gần 14 tỷ đồng, công ty cho biết đang có kế hoạch cơ cấu nguồn vốn để nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo thông báo của Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc tại ngày 29/9/2016, với số nợ thuế trên, công ty nằm trong danh sách các công ty trên địa bàn có thể bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp thông báo hoá đơn giá trị gia tăng không còn giá trị phát hành.
“Tuy nhiên, hiện nay, do Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã kê biên 66,7% vốn của ông Đoàn Văn An và những người liên quan nên công ty không thể thu xếp các nguồn tài chính khác ngoài nguồn từ hoạt động kinh doanh”, văn bản do Phó Giám đốc Công ty Đại Lải là ông Nhữ Văn Hoan cho biết.
Do đó, công ty này kiến nghị cơ quan thuế chưa cưỡng chế thuế và miễn, giảm các khoản tiền phạt cũng như cho phép công ty thu xếp tài chính để trả nợ dần, hoàn thành trong năm 2017. Hiện công ty này có khoảng 500 lao động địa phương.
Như tin đã đưa trước đó, tháng 7/2015, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can, đồng thời bắt tạm giam Tạ Bá Long, nguyên Chủ tịch HĐQT và Đoàn Văn An, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT GP Bank về cùng tội danh nêu trên.
Theo thông tin ban đầu, để có tiền trả nợ trái phiếu cho Công ty Tài chính Điện Lực (EVN FC), giữa năm 2011, ông Long và An đã bàn bạc, thống nhất để Long đại diện GP Bank ký thỏa thuận đặt cọc mua 58% tòa nhà Capital Tower với Hoàng Công Hợp, Chủ tịch Công ty Thành Trung và hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Trung tâm Thương mại Văn phòng - nhà ở An Khánh Sao Bắc GP bank với Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc Công ty Sao Bắc (thực chất hai công ty này là “sân sau” của Long và An).
Long và An đã chỉ đạo Phạm Quyết Thắng và một thuộc cấp ký chứng từ, làm thủ tục rút 3.900 tỷ đồng của GP bank để chuyển vào tài khoản của Công ty Thành Trung và Sao Bắc để Long và An sử dụng vào việc trả nợ trái phiếu cho EVN FC, đến nay không có khả năng thu hồi.
Cơ quan tố tụng xác định, Long và An là chủ mưu, còn Thắng cùng các bị can còn lại là đồng phạm đóng vai trò giúp sức. Hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho GP bank hơn 5.500 tỷ đồng, trong đó gốc 3.900 tỷ đồng, lãi 1.600 tỷ đồng.
Phương Dung