Sắp tới, TPHCM có thể không đầu tư xe công mà chuyển sang thuê xe
- Thứ năm - 27/10/2016 03:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
7 chương trình đột phá nhưng thiếu vốn
Tại cuộc họp diễn ra sáng nay (26/10), Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố (TP) đã lên danh mục các dự án (bao gồm dự kiến nguồn vốn) thực hiện 7 chương trình đột phá. Nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay TP phải rà soát, cân nhắc lại danh mục, xem dự án nào ưu tiên thực hiện trước.
Theo ông Hoan, hiện nay ngân sách cả nước và TP đều đang gặp khó khăn. Đối với TPHCM, tỷ lệ điều tiết ngân sách chắc chắn giảm, nguồn vốn ODA ngày càng khó khăn vì không còn được nhận viện trợ mà chỉ được vay trong thời gian ngắn với lãi suất cao hơn trước, TP cũng phải dành tiền trả nợ. Cùng với đó, TPHCM phải giải quyết các vấn đề nóng như ngập nước, kẹt xe…
“Ngoài Quốc hội đang họp bàn về ngân sách thì trong này TP cũng họp để tìm giải pháp nguồn vốn thực hiện 7 chương trình đột phá. Nhưng rất mong Trung Ương thấy được những cái khó của TP để hỗ trợ TP có điều kiện phát triển, cũng là thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước”, ông Hoan nói.
Theo Chánh Văn phòng UBND TPHCM, trước mắt TP phải giảm tối đa việc chi ngân sách và bằng nhiều cách khác nhau, kêu gọi đầu tư xã hội mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của TP. Lĩnh vực y tế, giáo dục cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, trước tiên nên đề xuất chọn một vài bệnh viện, trường học thí điểm đầu tư xã hội hóa.
“Bệnh viện quận 9 "chết lên, chết xuống" vì không có bệnh nhân. Trong khi đó bệnh viện Thủ Đức, quận 2 rất đông bệnh nhân. Hiện nay trung tâm dạy nghề rất èo uột, có nơi xin giải tán vì học sinh THPT không vào trung cấp mà đi cao đẳng, chờ thi đại học…”, ông Hoan nói.
Về các hình thức kêu gọi đầu tư xã hội hóa trong phát triển hạ tầng, ông Hoan cho rằng, TP đang làm tốt các dự án BOT (xây dựng – kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng – chuyển giao), trong đó các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm làm nhiều dự án BT vì có lợi.
Tuy nhiên, ông Hoan cũng cho rằng, TP nên đánh giá lại hình thức BT xem doanh nghiệp lợi bao nhiêu so với đồng vốn bỏ ra, qua đó tính toán lại để giảm bớt thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Đối với các dự án xã hội hóa cần xây dựng tiêu chí để kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp cũng như nhà đầu tư phù hợp.
Bên cạnh đó, ông Hoan cũng cho rằng, TP cần rà soát lại đối với đất, mặt bằng bị chiếm dụng hoặc cho thuê để có lộ trình xây dựng quỹ đất sạch khi thực hiện các dự án BT. “Mình cứ rề rà 10 năm nay mà không chịu gỡ ra. Đến khi có dự án lại tìm phương án khác và đất chiếm dụng thì vẫn còn nguyên. Tình trạng này kéo dài thì không ổn”, ông Hoan nêu quan điểm.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, trước tình hình trung ương giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP (từ 23% xuống 18%), Ban Thường vụ Thành ủy đã có văn bản kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ… giữ tỷ lệ điều tiết 21% (xin giảm 2%).
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết sắp tới TPHCM có thể sẽ tính toán không đầu tư xe công mà chuyển sang thuê xe
Giải pháp xã hội hoá nguồn vốn đầu tư
Theo ông Tuyến, năm 2017, TPHCM được giao chỉ tiêu ngân sách là 360.000 tỷ đồng. Nếu giảm 2% thì TP cũng mất 7.200 tỷ đồng. Sắp tới Quốc hội cũng siết nguồn vay nước ngoài, Chính phủ cho vay lại cũng siết nên TP rất khó khăn trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách và viện trợ.
Để ứng phó với tình hình khó khăn trong giai đoạn sắp tới, ông Tuyến yêu cầu các sở, ngành điều chỉnh, bổ sung nội dung 7 chương trình đột phá hiện có. Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án từ ngân sách sang xã hội hoá, cũng như tham mưu UBND TPHCM về tìm các nguồn vốn, các giải pháp tạo nguồn vốn, gắn liền với tiết kiệm, chống lãng phí thất thoát.
“Hiện nay 1 đồng vốn ngân sách thì huy động 13 đồng vốn xã hội. Và mục tiêu phấn đấu huy động được 15 đồng. Huy động được vốn như thời gian qua thể hiện niềm tin của xã hội đối với chúng ta. Chứ vốn Nhà nước bỏ ra mà không ai quan tâm đầu tư nữa thì không ổn”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Tuyến cho biết, sắp tới có thể TPHCM không đầu tư xe công mà chuyển sang thuê xe. Không mua xe sẽ không phải tốn chi phí bảo trì. Thay vì mua sắm, đầu tư công thì nên thuê. Trong các dự án phải báo cáo cho UBND TP giải pháp công nghệ mới tăng cường hiệu quả dự án. Nếu đưa công nghệ cũ vào vừa lãng phí, thất thoát và cũng không loại trừ làm việc này để trục lợi.
“Với thủ tục mua sắm đầu tư công như hiện nay thì tới khi mua được, cái máy đã lỗi thời. Ví dụ đầu tư công mua iPhone 7 thì tới lúc mua được chắc đã ra tới iPhone 9 rồi. Phải tính toán lại đầu tư công trong từng việc nhỏ nhất. Nếu chúng ta tính toán hình thức thích hợp với các tài sản công thì sẽ tiết kiệm được nhiều cho ngân sách”.
“Chúng ta sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung, tính toán hợp lý sử dụng nguồn vốn ngân sách trong khả năng của mình. Hôm họp tại Thành ủy, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng cho rằng nguồn vốn cần đầu tư cho 7 chương trình đột phá có thể cần đến 1 triệu tỷ đồng”, ông Tuyến nói.
Quốc Anh