Quốc hội yêu cầu báo cáo về nợ xấu các ngân hàng 0 đồng
- Thứ năm - 20/10/2016 21:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cần đánh giá đầy đủ về thương vụ MobiFone mua cổ phần Công ty AVG
Sáng nay (20/10), báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận, sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng, phản ứng nhanh trước các vấn đề bức xúc của xã hội, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, “cởi trói” cho doanh nghiệp.
Hoạt động thu hút đầu tư FDI cũng đã tăng cả về số dự án, vốn đăng ký và giải ngân; số doanh nghiệp đăng ký mới, doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng cao hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, đánh giá về hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhiều ý kiến trong Ủy ban cho rằng "ít có sự chuyển biến".
Theo đó, tốc độ cổ phần hoá DNNN quá chậm, trong đó có nguyên nhân là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của một số bộ, ngành, chưa xác định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ còn lớn; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao.
Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn lớn chưa tạo chuyển biến về chất đối với việc huy động vốn từ xã hội cho đầu tư phát triển và quản trị doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo ý kiến các thành viên Ủy ban Kinh tế, cùng với tình trạng chậm cổ phần hóa thì hoạt động tại các DNNN không hiệu quả nhưng chi phí tiền lương vẫn rất cao (chủ yếu cho lãnh đạo doanh nghiệp). Các DNNN chưa tiến hành công khai, minh bạch công bố thông tin theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP.
Ủy ban đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ việc sắp xếp, mua bán, sáp nhập và sử dụng vốn nhà nước không tuân thủ Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (đã có hiệu lực từ năm 2015) tại một số công ty cổ phần Nhà nước nắm vốn chi phối. Điển hình là thương vụ MobiFone mua cổ phần Công ty AVG, tình hình sử dụng đất tại các DNNN (cụ thể là tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam)....
Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, Chính phủ cần báo cáo cụ thể về hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước và phương án xử lý các dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả mà dư luận quan tâm; báo cáo thêm về kết quả hoạt động, xử lý nợ của Vinashin, Vinalines cho đến nay. Đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước giai đoạn 2005-2015.
Nợ xấu chưa được xử lý dứt điểm
Ngoài ra, theo ông Vũ Hồng Thanh, có ý kiến cho rằng tái cơ cấu các tổ chức tín dụng còn nhiều vướng mắc, hoạt động quản lý rủi ro, quản trị điều hành, tại một số tổ chức tín dụng còn yếu kém.
Tình hình thoái vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng vào những ngành, lĩnh vực phi tài chính hoặc những lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro và thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn chậm. Tín dụng cho bất động sản đã tăng chậm lại nhưng vẫn cần tăng cường kiểm soát rủi ro, bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường. Nợ xấu mới được khoanh vùng chưa được xử lý dứt điểm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu đến tháng 9/2016 khoảng 2,62% tổng dư nợ. Nếu tính các khoản nợ xấu chuyển sang Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) khoảng 4,8% và các khoản nợ đã cơ cấu lại thì tỷ lệ nợ xấu sẽ lớn hơn nhiều.
Từ cuối năm 2012 đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng đã tự xử lý được khoảng 57,2% tổng nợ xấu thông qua thu hồi nợ từ khách hàng, bán tài sản bảo đảm và sử dụng dự phòng rủi ro. VAMC đã mua 256.134 tỷ đồng dự nợ gốc nội bảng và đã xử lý được 37.980 tỷ đồng; trong đó, từ đầu năm 2016 đến nay đã xử lý được 15.824 tỷ đồng (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo việc Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng đối với các ngân hàng cổ phần thương mại yếu kém và tình hình giải quyết, xử lý khoản nợ xấu của các ngân hàng đó và các giải pháp xử lý các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua lại, việc cơ cấu lại khoản nợ ngân hàng của một số doanh nghiệp lớn trong nước.
Tại báo cáo này, Ủy ban Kinh tế điểm danh một loạt những dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả gồm:
1. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư).
2. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung.
3.Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư.
4. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam -Vinapaco theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.
Bích Diệp