Quảng Ngãi: Hơn 200 tiểu thương “chê” chợ mới loại I
- Thứ ba - 06/09/2016 22:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chợ Đức Phổ (mới) được đầu tư trên diện tích 13.070m2, đáp ứng nhu cầu kinh doanh cho hơn 600 lô bán hàng thường xuyên với tổng kinh phí đầu tư 55 tỷ đồng, được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận chợ loại I.
Theo kế hoạch, huyện Đức Phổ yêu cầu toàn bộ tiểu thương chợ cũ chuyển vào chợ mới vào ngày hôm nay (6/9). Mặc dù UBND huyện Đức Phổ có nhiều chính sách, 205 tiểu thương vẫn không chịu di chuyển vào chợ mới.
Qua ghi nhận của PV Dân trí, các tiểu thương cho rằng, chuyển kinh doanh qua chợ mới buôn bán ế ẩm hơn (chợ cũ cách chợ mới khoảng 400m). Mặt khác, họ ngại vào chợ mới vì do doanh nghiệp khai thác và quản lý nên sợ giá thuê ki-ốt cao,...
Tại buổi họp báo chiều ngày 5/9, ông Trần Em - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: “Theo lộ trình đưa thị trấn Đức Phổ lên thị xã, địa phương đã đầu tư chợ mới đúng quy hoạch của tỉnh, còn vị trí chợ cũ đã xuống cấp, đường chật hẹp, không đảm bảo chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn. Đồng thời, phần đất ở chợ cũ được quy hoạch làm Công viên cây xanh phù hợp với kế hoạch nâng tầm lên thị xã xanh, sạch, đẹp và khang trang. Bà con tiểu thương yên tâm vì giá cả áp dụng theo khung giá do nhà nước quy định. Về môi trường kinh doanh, khi tất cả tiểu thương đồng loạt vào chợ mới thì người tiêu dùng sẽ vào theo và địa phương xóa sổ chợ cũ để hình thành “lá phổi xanh” cho nhân dân”.
Chia sẻ khó khăn cùng tiểu thương khi di chuyển vào chợ mới, UBND huyện Đức Phổ đã ban hành chính sách hỗ trợ cho 487 tiểu thương từ chợ cũ qua chợ mới như: hỗ trợ tài sản đã đầu tư, xây dựng bằng giá trị hiện tại; hỗ trợ chi phí tháo dỡ, vận chuyển và lắp đặt ki-ốt (từ 500.000 - 2.000.000 đồng/ki-ốt); hỗ trợ chi phí do thiệt trong quá trình ngừng kinh doanh để di chuyển (từ 1,5 - 3 triệu đồng/hộ); miễn giảm thuế kinh doanh; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và trả lại tiền thuê chợ cũ đã nộp vượt nếu tiểu thương không kinh doanh ở chợ mới; chính sách thuê ki-ốt (năm 1 miễn 100% tiền thuê, năm 2 thu bằng giá thuê chợ cũ, năm 3 và thu cao hơn nhưng không quá 20% so với chợ cũ); không thu tiền 2 năm đối với tiểu thương kinh doanh không cố định, nhỏ lẻ.
Mặc dù UBND huyện Đức Phổ hỗ trợ nhiều chính sách, thường xuyên tuyên truyền, động viên nhưng 205/487 tiểu thương chợ cũ không chịu di chuyển qua chợ mới và muốn giữ lại chợ truyền thống đã hơn 40 năm tuổi.
Ông Trần Em nói: “Số tiểu thương còn lại vừa không chịu đến chợ mới, vừa không đòi hỏi gì, thật khó cho địa phương hoàn thành theo kế hoạch. Từ ngày 6-16/9, huyện tiến hành giải thể Ban quản lý chợ cũ, ngừng hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước, bảo vệ và thanh lý hợp đồng với tiểu thương. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục vận động hết mức có thể đối với tiểu thương chưa chịu đi và chưa nắm chủ trương, chính sách, quy hoạch của nhà nước”.
Trước đó, một số tiểu thương phản đối vào chợ mới gây mất an ninh trật tự, tự ý sửa chữa ki-ốt cũ, trấn áp lực lượng chức năng đến vận động. Đặc biệt, các tiểu thương còn quyên góp tiền mua và mang 2 quan tài vào chợ để phản đối.
Hồng Long