Phó Thủ tướng: Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả năm 2020
- Thứ tư - 21/09/2016 18:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 21/9, hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel” đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là hội thảo về khởi nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của thành phố Hà Nội.
Tại buổi hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu: “Hội thảo lần này là cơ hội rất tốt để Chính phủ cũng như thành phố Hà Nội học hỏi lý luận cũng như các kinh nghiệm thực tiễn từ Israel – Quốc gia khởi nghiệp. Cụ thể là học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia Israel về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở cấp vĩ mô và vi mô, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách cụ thể của Chính phủ, thể chế vận hành của cộng đồng Start-up tại một số ngành nghề chủ đạo; đề xuất các chương trình hành động để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, tiếp tục khẳng định sự cam kết hỗ trợ của Chính phủ với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp; tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế, khoa học, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Israel".
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đưa ra những nhóm giải pháp rất cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu có được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.
Chính phủ cũng cam kết mạnh mẽ là luôn đồng hành và phục vụ doanh nghiệp nói chung, cộng đồng Start-up nói riêng. Phó Thủ tướng nói rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách và tổ chức thực hiện thể chế chính sách về khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Sau khi lắng nghe phát biểu của Phó Thủ tướng, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách cụ thể của Chính phủ đối với các doanh nghiệp thuộc một số ngành nghề chủ đạo; bày tỏ mong muốn hỗ trợ chính sách từ Nhà nước...
Các diễn giả đến từ Israel chia sẻ những bài học kinh nghiệm thành công trong khởi nghiệp tại Israel. Bà Esther Barak Landes - Sáng lập viên kiêm Giám độc điều hành Nielsen Innovate là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tìm kiếm và đầu tư vào các Start-up phác thảo bức tranh chung về thực trạng khởi nghiệp của các doanh nghiệp Israel.
Bà Landes nói rằng, Israel đã có chiến lược đổi mới để phát triển khởi nghiệp để tạo ra thành tựu như ngày nay. Israel có những chính sách để khuyến khích khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ như: các chương trình và quỹ hỗ trợ từ Chính phủ, ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp, các hiệp định thương mại, mô hình vườn ươm công nghệ...
Cùng với bà Landes, ông Avi Luvton - Giám đốc điều hành chương trình Hợp tác Quốc tế Vụ Châu Á Thái Bình Dương cũng trình bày về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Những ý kiến của các đại diện Israel được các doanh nghiệp Việt Nam lắng nghe và trao đổi thêm thông tin cả bên trong và bên ngoài hội thảo. Các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Israel rất phong phú, đáng để học hỏi và hi vọng doanh nghiệp trẻ của hai nước sẽ có nhiều cơ hội hợp tác.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra lễ Ký kết chương trình hợp tác giữa thành phố Hà Nội với Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA). VIISA chính thức ra mắt website và tuyển các Start-up công nghệ trong khu vực Đông nam Á. Quỹ này sẽ tiến hành lựa chọn các Start-up để đi vào vòng đào tạo dựa trên các tiêu chí: có một đội ngũ mạnh để thực hiện ý tưởng kinh doanh, ý tưởng công nghệ đã được ứng dụng trên thực tế, khả năng mở rộng kinh doanh và phát triển bền vững trong tương lai.
10 Start-up được lựa chọn sẽ được đội ngũ cố vấn của VIISA đào tạo các kỹ năng quan trọng về khởi nghiệp như là phát hiện và tìm kiếm khách hàng tiềm năng, gọi vốn, bán hàng... trong vòng 4 tháng. Mỗi Start-up dự kiến được rót vốn từ 15.000 USD cho đến 5% giá trị định giá công ty; được hỗ trợ về văn phòng, nguồn lực kỹ thuật...
Mai Châm