Nông dân xứ Quảng cười với dưa, khóc vì ớt
- Thứ ba - 25/04/2017 07:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vui như tết vì dưa được mùa, được giá
Khác với những người trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi phải “khóc ròng” vì giá dưa tụt dốc không phanh, tại huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam), nông dân lại vui mừng khi mùa dưa Kỳ Lý (dưa hấu) vừa đạt năng suất cao, vừa được giá. Đi đến cánh đồng nào cũng thấy nụ cười nở rạng ngời trên khuôn mặt nông dân…
Nông dân huyện Phú Ninh (Quảng Nam) phấn khởi do được mùa dưa lẫn giá. Ảnh: Trương Hồng
Năm ngoái giá ớt lên tới 30.000 - 40.000 đồng/kg, nông dân chúng tôi trúng lớn, thu lãi hơn 30 triệu đồng/sào. Thấy giá ớt cao, vụ mùa vừa rồi, người dân đã mở rộng diện tích để trồng các giống ớt phục vụ xuất khẩu như F1-20, 365, Phù Sa…, ai dè tới lúc thu hoạch, thương lái không chịu thu mua dù giá rẻ bèo”. Bà Lê Thị Sáu |
Ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết: Dưa hấu Kỳ Lý là mặt hàng nông sản đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, vì thế việc sản xuất và tiêu thụ dưa của bà con khá thuận lợi. Đây cũng là một trong những loại cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của nông dân huyện Phú Ninh.
Được biết, vụ đông xuân năm nay, nông dân trên địa bàn huyện trồng 474,2ha dưa hấu, chủ yếu tại các xã Tam Thành, Tam An, Tam Phước, Tam Lộc. Nhờ bà con chú trọng đầu tư nhiều khâu nên hầu hết các diện tích trồng dưa hấu đều cho năng suất khá, đạt bình quân khoảng 1,3 - 1,4 tấn/sào. “Đặc biệt là dù thời tiết diễn biến bất thường song một số địa phương vẫn giữ được năng suất dưa cao như Tam Lộc, thị trấn Phú Thịnh với 28 tấn/ha; Tam Đàn, Tam Phước 27 tấn/ha; các địa phương còn lại đạt từ 25 - 26 tấn/ha. Theo tính toán của bà con, với giá dưa như hiện nay từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, mỗi ha nông dân thu nhập khoảng 200 triệu đồng, trừ hết chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng…” - ông Anh nói.
Đang thu hoạch ruộng dưa của mình, chị Đoàn Thị Nở (trú xã Tam Phước) phấn khởi khoe: “Vụ này nhà tôi trồng được 5 sào dưa, đầu mùa giá dưa chỉ 5.500 đồng/kg, lúc đó ai cũng nản vì với giá đó chỉ hoà vốn. Tuy nhiên đến mùa thu hoạch, giá dưa tăng lên 7.000 - 8.000 đồng/kg nên ai cũng phấn khởi. Với 5 sào dưa, dự kiến thu hoạch xong nhà tôi có khoảng 40 - 45 triệu đồng tiền lãi…”.
Rơi nước mắt vì ớt
Ngược lại với niềm vui được mùa, được giá của nông dân trồng dưa hấu huyện Phú Ninh, những ngày qua bà con trồng ớt ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam lâm vào cảnh điêu đứng vì giá ớt chỉ bằng 1/6 so với năm trước. Dù đang vào mùa thu hoạch, nhưng ớt chín đỏ ruộng mà bà con không buồn hái, để mặc trái rụng đầy gốc.
Tại cánh đồng thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, bên ruộng ớt trái chín đỏ đồng, bà Lê Thị Sáu buồn rầu nói: “Năm ngoái giá ớt lên tới 30.000 - 40.000 đồng/kg, nông dân chúng tôi trúng lớn, thu lãi hơn 30 triệu đồng/sào. Thấy giá ớt cao, vụ mùa vừa rồi, người dân đã mở rộng diện tích để trồng các giống ớt phục vụ xuất khẩu như F1-20, 365, Phù Sa…, ai dè tới lúc thu hoạch, thương lái không chịu thu mua dù giá rẻ bèo. Hiện giá ớt chỉ còn 5.000 đồng/kg mà thương lái còn chê ỏng chê eo, chỉ lựa trái lớn mới mua”.
Chị Trương Thị Thủy (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) nói: “Trồng 1 sào ớt, gia đình tôi tốn cả triệu đồng tiền giống, phân bón và thuốc trừ sâu, chưa kể công chăm sóc gần 3 tháng trời. Nay ớt đang chín đỏ ruộng và có nguy cơ rụng trái hoàn toàn vì thương lái không mua. Nghe nói thời gian tới giá ớt sẽ còn giảm nữa, nông dân chúng tôi lo lắm”.
Trao đổi với phóng viên, ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Duy Xuyên, Quảng Nam cho biết: Năm nay cả diện tích và sản lượng ớt trên địa bàn huyện tăng gấp 3 lần so với năm ngoái, theo đó địa phương đang có khoảng 3.000 tấn ớt chờ thu hoạch.
Theo lời ông Năm, giá ớt đầu vụ còn được 8.000 – 9.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg. Ớt bà con trồng lâu nay chủ yếu xuất sang Trung Quốc, nhưng giờ Trung Quốc mua ít thì đương nhiên giá sẽ giảm theo. “Trước mắt, địa phương đã đề nghị các doanh nghiệp có hợp đồng bao tiêu sản phẩm tiến hành thu mua hết sản lượng ớt đã cam kết với bà con nông dân, đồng thời theo dõi để hạn chế chuyện tư thương lợi dụng ép giá bà con…” - ông Năm cho hay.