Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Một tấn đường giá cao hơn người ta 34 USD, cạnh tranh kiểu gì?

Một tấn đường giá cao hơn người ta 34 USD, cạnh tranh kiểu gì?
Đề cập đến điểm yếu cốt tử khiến ngành mía đường gặp khó khăn, ông Nguyễn Quốc Toản - Phó Cục trưởng thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, giá thành sản xuất 1 tấn đường của chúng ta hiện nay là 50USD, trong khi đó ở Brazil là 16USD, Thái Lan là 30USD. Nếu không cải thiện về giá, ngành đường không thể cạnh tranh được.

Thế giới dư cung, Việt Nam tồn lớn

Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tính đến ngày 1.3, sản lượng đường thế giới niên vụ 2017 - 2018 là 179,4 triệu tấn, cao hơn niên vụ trước 11,1 triệu tấn, nguồn cung đang dư thừa. Đặc biệt ở Ấn Độ, sản lượng tăng kỷ lục với 29,2 triệu tấn. Đây là những áp lực rất lớn đối với khu vực và ngành đường Việt Nam. Còn ở trong nước, lượng đường tồn kho từ năm 2017 còn rất lớn, trên 314.000 tấn, thêm vào đó là niên vụ mới đang sản xuất.

Mía đường tồn kho, giảm giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người trồng mía.  Ảnh: I.T

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn: Cần lấy thêm ý kiến tham khảo

“Câu chuyện ngành mía đường rất cần được quan tâm giải quyết. Câu chuyện đặt ra là có bảo hộ các công ty mía đường hay không, có để một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phá sản không? Đây là vấn đề rất lớn, tôi đề nghị lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tiếp tục lắng nghe ý kiến nhiều chiều, đánh giá sâu sắc để có tham mưu với lãnh đạo Bộ có quyết sách hợp lý.

Bây giờ không thể cấm nhập đường, hay đánh thuế sai so với cam kết đã ký kết với khu vực. Liệu mía đường có phải là ngành lợi thế của chúng ta, gần 300.000ha trồng mía không phải là ít. Đây là câu chuyện rất lớn, chúng tôi đang lắng nghe ý kiến của nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp để có giải pháp thấu đáo trình Chính phủ”.

Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng: “Sản xuất mía nguyên liệu chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng, năng suất mía của chúng ta hiện nay chỉ khoảng 64 tấn/ha, thấp hơn 7% so với  bình quân thế giới (77 tấn/ha), chữ lượng đường bình quân trên 1ha cũng thấp hơn thế giới (10CCS so với 12 - 14CCS). Quy mô nhà máy chế biến, năng lực quản trị còn hạn chế, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Hiện nay Việt Nam chỉ có 8 nhà máy mía đường có công suất lớn hơn 6.000 tấn/ngày, công suất ép mía bình quân mới chỉ đạt 3.700 tấn/ngày”.

“Giá thành của chúng ta hiện nay 50USD/tấn, trong lúc đó ở Brazil là 16USD, Thái Lan là 30USD, đây cũng là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến ngành mía đường gặp khó khăn” - ông Toản cho biết.

Vấn đề nữa là Việt Nam từ năm 2018 thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giảm thuế nhập khẩu đường còn 0%, khiến mía đường Việt Nam mất khả năng cạnh tranh. Ngành mía đường đã kiến nghị Chính phủ gia hạn thực hiện Hiệp định ATIGA, nhưng đến thời điểm này Chính phủ chưa có văn bản chính thức về việc gia hạn.

Bên cạnh đó, ông Toản cho rằng các doanh nghiệp phải tự vực dậy, không thể trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước. Thực tế, một số đơn vị như Tập đoàn Thành Thành Công, Mía đường Quảng Ngãi… đã chủ động liên hệ với nông dân, liên kết với nước ngoài để nâng cao năng lực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng giống và đã thành công.

Nông dân chịu trận

Chữ lượng đường thấp cũng là một trong những hạn chế của ngành mía đường. Theo Cục Trồng trọt, hiện tại chúng ta có 75 giống trong sản xuất, trong đó 90% là những giống mới trong khoảng 10 năm gần đây và hàng trăm giống đang nghiên cứu tại Viện Mía đường cũng như ở một số công ty lớn (Lam Sơn, Quảng Ngãi...). Hầu hết đó là những giống mía tốt có chữ đường tại thời điểm mía chín > 11CCS, cá biệt có những giống mía như VĐ93-159 tại vùng nguyên liệu của Công ty NASU (Nghệ An) chữ đường đã đạt 15 - 16CCS. Nhưng thực tế theo báo cáo thì chữ đường bình quân cả nước do các công ty công bố thường < 10CCS.

Theo lý giải của ông Đỗ Khắc Ngữ - Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Cục Trồng trọt: “Nguyên nhân có thể do mía thu hoạch không đúng thời điểm chín, do nông vụ của nhà máy chưa điều phối lịch trồng hợp lý để thu hoạch đúng thời điểm mía chín. Mía thu về không chế biến ngay trong 24 giờ nên năng suất mía và chữ đường giảm”.

Ông Ngữ cho rằng giá đường và mía giảm trước mắt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người trồng mía. Do vậy, các ngành, đặc biệt là các nhà máy đường cần tích cực hơn nữa trong việc mua mía kịp thời cho người dân, không để tình trạng mía quá tuổi, năng suất chữ đường giảm mới mua, cũng như việc duy trì ổn định vùng nguyên liệu - là vấn đề sống còn của mỗi nhà máy.

Về lâu dài, các công ty, nhà máy đường cần tổ chức lại sản xuất, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu suất thu hồi đường, giảm giá thành sản xuất. Các nhà máy cần tăng cường hỗ trợ, đầu tư trực tiếp để người trồng mía có đủ nguồn lực thâm canh tăng năng suất cũng như đầu tư thiết bị, hạ tầng… Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phối hợp với bộ phận nông vụ các nhà máy hướng dẫn người trồng mía chăm sóc đúng kỹ thuật, xây dựng những cánh đồng mía mẫu có năng suất cao để người dân noi theo, quan tâm hơn nữa công tác khuyên nông cho cây mía.

“Quá trình hội nhập sâu rộng là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn. Nếu ngành đường không chủ động đứng dậy đối phó thì rất dễ bị thua ngay trên sân nhà” - ông Ngữ cho biết.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây