Lỗ nặng, ‘thủ phủ’ nuôi heo cả nước lao đao
- Thứ bảy - 18/03/2017 18:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tính từ thời điểm trước Tết Nguyên đán đến nay, người chăn nuôi heo ở các tỉnh Đông Nam bộ đã chịu lỗ gần năm tháng vì giá xuống quá thấp. Lỗ kéo dài khiến hàng loạt trang trại, doanh nghiệp bên bờ phá sản.
Một ngày lỗ hơn 8 tỉ
Thông tin tại buổi đối thoại giữa các chủ trang trại với các cơ quan chức năng diễn ra ở Đồng Nai ngày 17-3, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết hiện nay mỗi ngày tỉnh này cung cấp khoảng 8.000 con heo cho thị trường TP.HCM. Đồng Nai hiện là địa phương sản xuất heo lớn nhất cả nước, nguồn cung cấp thịt heo chính cho TP.HCM nhưng người nuôi đang lao đao.
Ông Công dẫn chứng: “Với mức lỗ lên tới 800.000 đến 1 triệu đồng/con, mỗi ngày riêng người nuôi heo Đồng Nai lỗ gần 8 tỉ đồng, mỗi tháng lỗ 240 tỉ đồng. Như vậy nếu chỉ tính trong vòng năm tháng qua, người nuôi heo trong tỉnh đã mất tới 1.200 tỉ đồng”.
Ông Trần Đức Vinh Quang, chủ trại heo tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai, buồn rầu cho biết giá heo xuống thấp hơn giá thành sản xuất khiến trang trại của ông đã lỗ hơn 500 triệu đồng.
“Tháng trước giá heo hơi nhích lên mức 32.000 đồng/kg nhưng nông dân chưa kịp mừng thì ngay sau đó lại giảm xuống dưới mức 30.000 đồng. Người nuôi vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn” - ông Vinh than thở.
Nhiều chủ trang trại phân tích nguyên nhân chính khiến giá heo tuột dốc là do cung vượt cầu và quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đến khi họ mua nhỏ giọt thì heo bế tắc đầu ra. Bên cạnh đó việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo chưa hợp lý cũng làm tăng thêm chi phí cho nông dân.
Người nuôi heo lao đao vì giá giảm mạnh. Ảnh: QH
Bà Bùi Thị Thủy ở TP Biên Hòa chuyên thu mua heo cung cấp cho TP.HCM cho rằng người nuôi heo lỗ nặng nhưng đến nay vẫn chưa có phương án nào hỗ trợ bà con. Đã vậy mỗi con heo từ trang trại ra đến thị trường phải trải qua nhiều khâu kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch và phải “lăn” cả đống con dấu của cơ quan chức năng. Nay lại thêm chi phí đeo vòng truy xuất nguồn gốc khiến dân càng thêm khó.
“Việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc có lợi cho người tiêu dùng và có lợi cho người chăn nuôi vì có thể giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm. Có điều trong lúc người nuôi đang gặp khó khăn như hiện nay, cơ quan chức năng cần hỗ trợ nhằm giúp dân tiết giảm chi phí chứ không nên tạo thêm gánh nặng cho bà con” - bà Thủy đề xuất.
Quá nhiều khâu trung gian
Bàn về giải pháp giúp người nuôi heo thoát khỏi bế tắc, ông Bùi Văn Quý, chủ trang trại heo ở Long Thành, gợi ý việc đầu tiêu phải làm là cắt giảm chi phí, nhất là giảm chi phí thức ăn chăn nuôi vốn chiếm 70%-80% giá thành sản xuất. Để làm được điều này, cần thành lập các hợp tác xã hoặc câu lạc bộ nuôi heo để các trang trại tham gia.
Ông Quý nhấn mạnh: “Khi có hợp tác xã, câu lạc bộ thì việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sẽ dễ dàng hơn. Đặc biệt mô hình này sẽ giúp giảm được chi phí vận chuyển, chi phí thức ăn; liên kết được với các nhà máy giết mổ, chợ đầu mối… nên giá thịt heo đến tay người tiêu dùng cũng hợp lý hơn”.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương đánh giá ngành sản xuất nào cũng cần thương lái, vì vậy nói thương lái ép nên giá heo giảm là không đúng. Hơn nữa, giá heo hơi thấp nhưng giá thịt heo bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn cao là do phải qua nhiều tầng lớp trung gian như vận chuyển, giết mổ, tiểu thương…
“Vì vậy cần phát triển ngành chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn công nghiệp. Khi đó mới giảm được chi phí sản xuất, giảm các khâu trung gian và đầu ra đảm bảo” - ông Phương nói.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công thừa nhận chính tình trạng phát triển đàn quá mức đã khiến nguồn cung thịt heo dư thừa dẫn đến mất giá. Vì vậy giải pháp chính là phải giảm đàn, tập trung nuôi heo chất lượng cao.
“Sắp tới tỉnh sẽ tập trung xây dựng các vùng nuôi heo an toàn tại huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu… Qua đó để kiểm soát chất lượng, tạo được thương hiệu heo sạch, đầu ra ổn định và người tiêu dùng được lợi” - ông Công chia sẻ.
Giảm gánh nặng cho bà con Tại buổi đối thoại với các cơ quan chức năng như Sở Công Thương, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, TP.HCM…, các trang trại tán đồng với chương trình đeo vòng truy xuất nguồn gốc thịt heo. Tuy nhiên, nên đeo vòng ở tai heo như các nước trên thế giới đang làm chứ không nên đeo vào hai chân sau như ta. Bởi đeo vòng ở hai chân rất mất thời gian, tăng chi phí (16.000 đồng/con), thậm chí rất nguy hiểm cho người đeo (bị heo đá vào mặt). Ngoài ra, đáng lẽ người nuôi heo phải là người đăng ký, kích hoạt mã code truy xuất nguồn gốc xong rồi cơ quan quản lý cấp vòng đeo. Nhưng thực tế lại có tình trạng thương lái mua vòng đeo về đưa cho các trang trại tự đeo vào, dẫn đến khó đảm bảo tính trung thực trong việc truy xuất nguồn gốc thịt heo. Mặt khác, các đơn vị phân phối, tiêu thụ nên đưa chi phí đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc vào giá bán sản phẩm, thay vì để người nuôi phải tự chi trả như hiện nay. Giải đáp những vấn đề trên, ông Nguyễn Nguyên Phương, đại diện Sở Công Thương TP.HCM, cho biết sẽ xem xét đề nghị giảm 50% chi phí vòng đeo truy xuất nguồn gốc trong giai đoạn đầu để hỗ trợ người chăn nuôi. Thương lái Trung Quốc thường mua heo quá khổ trên 120 kg/con mang tính thời điểm với giá thấp và rủi ro cao. Không ít nông dân hám lời trước mắt nên đổ xô nuôi loại heo “khủng” này, đến khi Trung Quốc ngừng tiêu thụ thì bế tắc. Nếu có các hợp tác xã, câu lạc bộ thì có thể sẽ hạn chế được rủi ro trên. Khi đó nông dân vừa tránh bị ép giá, vừa khai thác được thị trường Trung Quốc. Ông VĂN QUÝ, chủ trại heo ở Đồng Nai |