Lãnh đạo Thừa Thiên-Huế nói gì dự án nhà máy kẽm tại Lăng Cô của doanh nghiệp Trung Quốc?
- Thứ ba - 25/10/2016 14:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trước đó vào chiều 19/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương đã tiếp và làm việc với bà Lu Xin Xin, Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh (Trung Quốc) đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại buổi nói chuyện, bà Lu Xin Xin đã thông tin về năng lực và hoạt động của Công ty TNHH công nghiệp Fuda Bắc Kinh tại Trung Quốc.
Theo đó Công ty TNHH công nghiệp Fuda Bắc Kinh là một Công ty tư nhân, hoạt động chính là sản xuất kẽm với công nghệ tiên tiến; qua tìm hiểu, cảng Chân Mây có thể tiếp nhận tàu hàng trên 50 nghìn tấn, vì vậy Công ty mong muốn đầu tư nhà máy sản xuất kẽm tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để xuất khẩu kẽm sang Nhật Bản và Trung Quốc, ước tổng mức đầu tư giai đoạn đầu khoảng 5 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Phương đã hoan nghênh bà Lu XinXin, Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Fuda Bắc Kinh đã trực tiếp đến tìm hiểu và mong muốn đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Về phía tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng cung cấp các thông tin về thủ tục đầu tư, chính sách thu hút đầu tư và các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; và hy vọng thời gian tới Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh sẽ có dự án thích hợp đầu tư tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Trước dư luận bạn đọc đang quan tâm vì thời gian qua, điển hình như Formosa đã làm ô nhiễm môi trường biển miền Trung nghiêm trọng vì công nghệ sản xuất thép, mà sản xuất kẽm cũng gây ra điều tương tự, trong sáng 24/10 PV Dân trí tại Huế đã có trao đổi với ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc trên.
Ông Khanh cho hay, đây mới chỉ là cuộc tiếp xúc đầu tiên chứ chưa có dự án gì được triển khai giữa hai bên. “Quan điểm của tỉnh như theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là không đánh đổi môi trường với bất cứ giá nào, chúng tôi đã và sẽ không bao giờ đánh đổi môi trường bằng mọi giá. Ưu tiên môi trường của tỉnh là số một” – ông Khanh nhấn mạnh.
Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, thời gian qua tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế vào Thừa Thiên Huế, qua đó doanh nghiệp Trung Quốc trên có thông tin và mới chỉ tiếp xúc với tỉnh, tìm hiểu chính sách, xem xét địa điểm đầu tư tại Huế chứ chưa có một bản giới thiệu, hồ sơ hay giấy tờ gì để xin được cấp dự án gửi tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ở khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô hiện nay tiêu chí hàng đầu là ưu tiên cho công nghiệp sạch và công nghệ cao, không ưu tiên những doanh nghiệp làm ảnh hưởng môi trường vì vùng này còn gắn chặt với phát triển khu đô thị Chân Mây – Lăng Cô và du lịch biển.
Thời gian qua tỉnh có đưa ra danh sách 30 dự án phù hợp đầu tư vào khu kinh tế này giai đoạn 2016-2020. Việc doanh nghiệp nước ngoài chú ý đến Huế là điều đáng hoan nghênh, tuy nhiên tỉnh cũng đưa ra nhiều tiêu chí, nếu doanh nghiệp có dự án phù hợp với tiêu chí của tỉnh thì sẽ được tỉnh xem xét tiếp. Nếu phù hợp toàn bộ thì sẽ tiến hành triển khai dự án và ngược lại.
“Một dự án nào đến tỉnh chúng tôi cũng rà soát vấn đề quốc phòng an ninh. Nếu một nhà đầu tư nào vào vị trí nào chúng tôi sẽ kiểm tra tọa độ ấy có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng không, có ảnh hưởng đến môi trường không. Nếu được thì mới trả lời “vùng đó không bị ảnh hưởng, cho phép các anh nghiên cứu” và nếu không được thì không cho phép đầu tư” – ông Khanh nói về yếu tố an ninh quốc phòng ở các dự án đầu tư mới.
Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời PV cho hay, “Doanh nghiệp trên đi nhiều tỉnh và có tiếp xúc với tỉnh mình, mang tính chất xã giao. Phía họ chưa có một văn bản nào chính thức cũng như chưa cung cấp tài liệu gì về hồ sơ năng lực, dây chuyền sản xuất phía họ đến mình.
Tỉnh đã từng tiếp hàng chục nhà đầu tư như thế. Quy trình là Sở Kế hoạch & Đầu tư phải bắt đầu kiểm tra hồ sơ năng lực, nếu phù hợp thì trình lên tỉnh. Quan điểm của tỉnh cũng đã xác định rất rõ, vùng kinh tế Chân Mây – Lăng Cô tuyệt đối những ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến du lịch thì phải xem xét rất kỹ.
Từ trước đến nay Huế từng từ chối các dự án về thép, nhiệt điện. Tỉnh hoàn toàn ý thức việc này vì nếu không sẽ phá vỡ khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Không phải đơn giản cho họ đâu, hơn nữa quy mô nhỏ thì phải xem xét kỹ. Người Huế chúng ta sống đời ở kiếp đây lâu dài, làm sao phải cho đúng để có điều kiện sống tốt đến sau này”.
Được biết trước đây tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cũng từng có dự án nhà máy nhiệt điện, dự án súc rửa kim loại… nhưng đã từng bị tỉnh Thừa Thiên Huế không cho đầu tư vào vì gây ô nhiễm môi trường.
Đại Dương