Kiều hối 10 đồng thì 7 đồng chuyển về qua đường "chợ đen"
- Thứ sáu - 30/09/2016 09:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong giai đoạn 1991 - 2014, lượng kiều hối lũy kế vào Việt Nam ước khoảng 92 tỷ USD, cộng thêm khoảng 10 tỷ USD vốn Việt kiều đầu tư về nước thông qua FDI thì tổng lượng kiều hối lũy kế vào Việt Nam trong giai đoạn này rơi vào khoảng 102 tỷ USD, gần tương đương so với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuần vào Việt Nam cùng giai đoạn này (khoảng 100 tỷ USD).
Thế nhưng, về hiệu ứng và thành quả thì FDI lại đang thể hiện tích cực hơn nhiều so với kiều hối.
Là nguồn lực quan trọng nhưng phần lớn kiều hối chuyển về nước vẫn phải đi theo đường xách tay, chợ đen (ảnh minh họa)
Chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia “Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam” mới đây, PGS.TS Phạm Văn Hùng - Trưởng khoa Đầu tư, trường ĐH Kinh tế Quốc Dân cho biết, kiều hối sẽ bổ sung nguồn trực tiếp cho đầu tư kinh doanh, góp phần gia tăng tiêu dùng, tăng tổng cầu, thúc đẩy gia tăng đầu tư. Cùng với đó, kiều hối cũng làm gia tăng đầu tư gián tiếp khi đầu tư vào các tài sản như bất động sản.
Tuy nhiên, mặt trái của kiểu hối đó là đầu tư kiều hối dễ thái quá vào những tài sản có tính đầu cơ cao, tạo tâm lý trông chờ vào hỗ trợ của thân nhân, thường làm thay đổi hành vi tiêu dùng, làm tăng giá, tăng khoảng cách giàu nghèo, tăng rửa tiền…
Mặc dù vậy, theo GS.TSKH Nguyễn Mại thì trong bối cảnh nợ công đã chạm mức kịch trần, Việt Nam đang có xu hướng giảm vốn ODA, kiều hối vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và cần có chính sách tốt hơn để người Việt ở nước ngoài gửi tiền về nước, tích cực đầu tư vào sản xuất.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhận định, hạn chế của chính sách hiện nay là đối xử chưa thật sự công bằng với Việt kiều cũng như nguồn kiều hối tham gia vào quá trình phát triển kinh tế. Do đó, việc huy động nguồn lực kiều hối có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc có thực coi trọng và giải tỏa vướng mắc từ tư duy chính sách đến hành động.
Ông Phong khẳng định, xây dựng thể chế kinh tế thị trường là phải cởi trói cho khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước một cách triệt để và đầy đủ hơn.
Với kinh nghiệm 30 sinh sống ở nước ngoài, 10 năm ở Ba Lan, ông Lê Thanh Bình, Trưởng đại diện Hội doanh nghiệp Việt kiều Ba Lan tại Việt Nam chia sẻ, muốn kêu gọi đầu tư thì phải quan tâm nhiều hơn tới doanh nghiệp Việt kiều đang đầu tư ở trong nước.
"Tiền kiều hối bên kia còn nhiều lắm. Có người muốn chuyển về 10 đồng, nhưng chỉ có thể chuyển qua ngân hàng chưa đến 3 đồng, còn 7-8 đồng còn lại phải chuyển qua đường khác (chợ đen). Quan trọng là phải có giải pháp để hoạt động chuyển kiều hối về Việt Nam được thuận lợi hơn", ông Bình cho biết. Điều này nghĩa là con số thực tế về kiều hối có thể cao hơn rất nhiều các số liệu thống kê.
Lý giải nguyên nhân này, ông Từ Như Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chuyển tiền toàn cầu VietinBank cho rằng, thực tế thì các ngân hàng rất khuyến khích việc kiều bào chuyển tiền về nước theo con đường chính thức là qua các ngân hàng.
Tuy nhiên, do vướng phải nhiều rào cản từ luật phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố thế giới. Nhiều quốc gia hiện nay đang quy định hạn mức mỗi lần chuyển tiền ra nước ngoài cho mỗi công dân. Chẳng hạn ở Mỹ chỉ cho phép mỗi cá nhân được chuyển một khoản nhất định. Nếu chuyển với tần suất lớn có thể sẽ bị theo dõi để xem luồng tiền sạch hay bẩn. Đó cũng là một phần lý do khiến bà con kiều bào không dám gửi nhiều tiền về nước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc bà con kiều bào thường xuyên phải gửi tiền về nước thông qua kênh không chính thức (chợ đen) là một thực tế và cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra việc chênh lệch số liệu giữa nhiều báo cáo thống kê về kiều hối.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối ở Việt Nam 80% là có nguồn từ Việt kiều gửi về, còn lại là từ các nguồn như lao động xuất khẩu, người Việt làm việc ở nước ngoài. Trong khi đó, theo đánh giá của ông Nguyễn Mại, hiện có đến 5% người Việt Nam ở nước ngoài, con số này là lớn so với nhiều nước, trong đó có cả Trung Quốc.
Bích Diệp