Kiến nghị bán gần 500 container lốp cũ "vô chủ", nằm "phơi sương" tại cảng Cát Lái
- Thứ bảy - 24/09/2016 00:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cụ thể, theo báo cáo của Cục Hải quan TP.HCM về TCHQ, số container lốp cũ tồn tại quá lâu, không có chủ đến lấy. Hiện đang có hai công ty đăng ký mua là Công ty CP Môi trường Việt Úc, Công ty CP Năng lượng tái tạo DVA để xử lý số lốp vô chủ trên. TCHQ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm tra năng lực hai công ty trên và đưa ra cơ chế bán số lốp trên.
Theo TCHQ, tính đến ngày 26/7/2016 báo cáo của Cục Hải quan Tp HCM tại cảng Cát Lái, TP.HCM còn khoảng 493 container chứa hàng là lốp đã qua sử dụng, trong đó xác định 148 container là hàng vô chủ, các container còn lại đều trong quá trình xác định chủ hàng nhưng vẫn chưa thấy.
Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản số 212; ý kiến của Bộ TN&MT tại Văn bản số 5661; ý kiến của Bộ Tài chính tại Văn bản số 1682 về hướng dẫn xử lý đối với hàng hóa là lốp cũ đã qua sử dụng được nhập tại cảng Hải Phòng thông qua cơ chế bán lại cho DN, TCHQ nhận thấy số lốp cũ nhập về tại các cảng của TP.HCM quá lớn, do đó đề xuất cơ chế bán lại cho DN nếu có nhu cầu như áp dụng tại cảng Hải Phòng.
Được biết, nhờ cơ chế của Chính phủ, Bộ, ngành mà số lốp ô tô cũ "vô chủ" nằm phơi sương gió tại cảng Hải Phòng trong thời gian qua đã được xử lý. Theo báo cáo của TCHQ, toàn bộ hơn 560 container hàng lốp đã qua sử dụng đã được bán lại cho hai công ty là Công ty CP xử lý phế liệu rắn Việt Nam và Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo DVA.
Trước đó, báo chí đã phản ánh tình trạng các chủ hàng Việt Nam cấu kết với các DN nước ngoài, hãng vận tải làm hóa đơn nhập hàng về Việt Nam, nhưng khi kiểm tra, cơ quan chức năng lại phát hiện ra là lốp ô tô đã qua sử dụng. Các chủ hàng đều từ chối nhận hàng vì đưa lý do đối tác gửi sai hàng, dẫn đến các cảng biển như Hải Phòng, Đà Nẵng... tồn dư rất nhiều container lốp ô tô cũ, gây ô nhiễm môi trường, chiếm diện tích của các cảng.
Hoạt động nhập lốp ô tô cũ theo kiểu "nhầm lẫn" có sự móc ngoặc của các DN trong nước không chỉ làm phát sinh việc làm cho ngành Hải quan mà còn gây hậu quả đặc biệt đến môi trường. Tình trạng này khiến Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp, phế thải của nhiều quốc gia.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/6/2016, lượng hàng hoá tồn đọng trên địa bàn Hải Phòng là 1.140 container trong đó 1.060 container không xác định được chủ sở hữu. Trong khi đó, tại TPHCM, tính đến ngày 3/8/2016, lượng hàng tồn là lốp, lốp cao su đã qua sử dụng là 493 container như trên.
Thực trạng này cho thấy tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng diễn biến phức tạp. Không ít các container tồn đọng chứa các sản phẩm cấm nhập khẩu. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến chuyện này còn là do vướng mắc thanh toán các khoản chi phí giữa hãng tàu và đơn vị nhập khẩu…
Trên thực tế, nhập khẩu lốp ô tô nằm trong danh sách hạn chế và cấm nhập khẩu do ảnh hưởng và tác động lớn đến môi trường, DN chỉ được quyền nhập khẩu khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, các container hàng lốp tồn dư tại các cảng như Hải Phòng, Đà Nẵng và Tp HCM đều có từ mấy năm trước, do các DN nhập khẩu không làm các thủ tục hợp pháp hoặc tranh chấp với chủ tàu nên nằm phơi sương nhiều năm liền tại cảng.
Hiện, việc xử lý số lốp ô tô cũ tại các cảng chủ yếu được bán cho các DN, công ty chuyên tái chế để làm nhiên liệu, chất đốt cho sản xuất như gốm, kính, vật liệu nung và phục vụ các làng nghề đúc đồng, nhôm...
Nguyễn Tuyền