Khó hiểu vé tàu Tết!
- Thứ bảy - 15/10/2016 16:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong khi vé tàu thời gian cao điểm Tết Đinh Dậu 2017 đang rất khan hiếm, nhiều người phấn khởi bao nhiêu vì thấy còn chỗ trống thì hụt hẫng bấy nhiêu khi vừa chọn mua, màn hình đã hiển thị mất chỗ. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần khiến không ít người bức xúc và liên tục phản ánh với Báo Người Lao Động.
Trêu ngươi
Anh Đặng Xuân Giang (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết tối 13-10, anh lên website dsvn.vn đặt mua vé tàu Tết từ TP HCM về Thanh Hóa ngày 24-1-2017 (tức ngày 25 tháp chạp năm Bính Thân). Tìm kiếm vé trên chuyến tàu SE4, toa số 10, khoang 4 hiển thị màu trắng (chỗ trống) ở số 15 và 16 nên anh chọn mua.
Nhiều người đặt mua vé tàu Tết qua mạng không thành công dù trên hệ thống hiển thị còn chỗ trống Ảnh: GIA MINH
Tuy nhiên, khi anh Giang chọn vào 2 vé này thì hệ thống thông báo đang giao dịch, thời gian giữ vé 5 phút và không thể chọn mua. Thất vọng, anh chuyển qua một số chuyến tàu khác cùng chặng đường để tìm vé nhưng tiếp tục gặp phải trường hợp tương tự.
Điều khó hiểu là khi quay lại tàu SE4, anh Giang lại thấy số chỗ 15 và 16 vừa đặt trước đó không được thì đang hiển thị chỗ trống. Nghĩ mình may mắn, anh lập tức chọn mua nhưng vẫn gặp tình huống cũ, khi 2 chỗ này lập tức chuyển qua màu cam (đã có người mua và đang giao dịch).
“Tôi kiên nhẫn “săn” từ 22 giờ cho đến gần 1 giờ sáng hôm sau vẫn không đặt được vé. Rõ ràng trên website hiển thị chỗ trống nhưng khi chọn thì lại lập tức nhận được báo đang giao dịch. Thế nhưng, cứ 5 phút sau tính từ thời điểm tôi chọn thì vé lại hiển thị chỗ trống như đang trêu ngươi” - anh Giang bực bội.
Theo anh Giang, dù rất bức xúc, đến sáng 14-10, anh tiếp tục bỏ thời gian tìm vé giường nằm từ TP HCM về Thanh Hóa nhưng vẫn không được. Trong khi đó, một số chỗ ngồi mềm, cứng hoặc ghế phụ thì việc chọn mua lại đơn giản. Anh Giang cho rằng việc bán vé qua mạng của ngành đường sắt rất khó hiểu, như cố tình bị “ém” vé không để hành khách mua một số chỗ.
“Tôi còn thấy trên các chuyến tàu có rất nhiều chỗ hiển thị là “chỗ nghiệp vụ”. Trong khi vé tàu đang rất khan hiếm, ngành đường sắt tại sao lại có nhiều “chỗ nghiệp vụ” như vậy? Phải chăng không muốn bán cho hành khách?” - anh Giang nghi ngờ.
Một người đặt mua vé tàu Tết khác, chị Nguyễn Thúy Hằng (ngụ quận 9, TP HCM) cho rằng với số lượng “chỗ nghiệp vụ” nhiều như vậy, lại nằm ở những vị trí “đẹp”, thuộc khoang giường nằm điều hòa, tầng 1 thì giống như ngành đường sắt đang cố tình giữ, không tung ra cho hành khách đặt chỗ.
Theo phản ánh của anh Giang, chiều 14-10, thử lên website dsvn.vn đặt vé tàu Tết về Thanh Hóa một số ngày cao điểm Tết, chúng tôi cũng gặp trường hợp tương tự. Thao tác trên hệ thống bán vé, khi chọn mua vé tàu TN2 ngày 24-1-2017, ở toa số 9 (nằm cứng điều hòa) có một số ghế trống như 34, 40 nhưng khi chúng tôi chọn mua thì những ghế này lập tức đã mất. Tương tự, chúng tôi đặt vé tàu SE24 từ TP HCM đi Thanh Hóa ngày 25-1-2017, toa số 7 (ngồi mềm điều hòa) ở ghế 33 và 34 thì hệ thống cũng báo vé đã có người đặt, thời gian giữ vé là 5 phút. Tiếp tục tìm những chỗ trống ở nhiều chặng khác, chúng tôi cũng gặp phải nhiều trường hợp tương tự, trong khi việc chọn mua ghế phụ thì rất dễ dàng.
Bị phần mềm can thiệp?
Bi hài hơn là trường hợp của anh Nguyễn Văn Thiệu (ngụ quận 3, TP HCM) khi chầu chực suốt buổi sáng 14-10 bên màn hình máy tính để đặt mua 2 vé từ TP HCM về Thanh Hóa ngày 24-1-2017 nhưng cuối cùng chỉ 1 vé được đặt thành công.
Thiệu cho biết anh tìm được 2 vé giường nằm liền nhau trên tàu SE6 và vội vàng chọn mua. Tuy nhiên, khi vừa nhấp vào ô vé thì 1 trong 2 vé hiển thị đã mất chỗ. Anh Thiệu kiên nhẫn chờ qua 5 phút (thời gian giữ chỗ) thì thấy số chỗ vừa mất lại hiển thị chỗ trống nên chọn lại nhưng vẫn lặp lại trường hợp cũ.
“Tôi mua vé cho 2 vợ chồng về quê. Hệ thống mạng lại bị như vậy thì chẳng nhẽ tôi một toa, còn vợ nằm 1 toa? Thấy quá phiền phức nên tôi đành trả lại vé đã đặt thành công” - anh Thiệu ngao ngán.
Theo ông Lê Quốc Trung, Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, việc bán vé qua hệ thống website, phía công ty đã ủy quyền cho Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (thuộc Tập đoàn FPT) quản lý. Sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề trên, ông Trung cho biết sẽ làm việc với nhà mạng để làm rõ cũng như đưa ra hướng cải thiện.
Trước vấn đề nhiều người phản ánh về các chuyến tàu có số “chỗ nghiệp vụ” quá nhiều, trong khi vé bán cho hành khách lại khan hiếm, ông Trung giải thích ngoài số chỗ nhằm phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành đường sắt, giải quyết sự cố khi xảy ra thì nhiều toa giường nằm tầng 1 đang được chuyển đổi thành 3 ghế ngồi để bán cho hành khách trong thời gian cao điểm. Việc chuyển đổi chưa hoàn thành nên những chỗ này được hiển thị mặc định trên hệ thống website bán vé là “chỗ nghiệp vụ”.
Ông Trung cũng thông tin Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đang thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp một số toa tàu. Việc bán vé cũng phụ thuộc vào tiến độ của dự án này nên chưa hoàn toàn đưa hết số chỗ để bán cho hành khách.
“Dự kiến đến tháng 12-2016, dự án nâng cấp, cải tạo toa xe sẽ hoàn tất nên chúng tôi chưa thể chắc chắn một số giường nằm trong dự án này có thể bán ra được hay chưa. Do đó, những chỗ dự kiến bán cho hành khách đang bị tạm khóa” - ông Trung lý giải.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp công nghệ FPT - đơn vị phối hợp với Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn bán vé tàu Tết, cho rằng việc nhiều người không đặt được vé dù chỗ vẫn hiển thị còn trống trên hệ thống website dsvn.vn không phải sự cố lỗi mạng. Theo ông Hải, hiện tượng này xảy ra là do hệ thống bán vé tàu Tết bị can thiệp bởi một phần mềm giữ chỗ tự động. Ngành đường sắt đã yêu cầu nhà mạng phải thực hiện việc cho “nhả” những chỗ bị can thiệp một cách ngẫu nhiên.
“Do đó, một số chỗ trên hệ thống vẫn hiển thị còn trống nhưng thực chất là đang bị giữ và sau đó bị trả lại ngẫu nhiên, không theo quy luật như những chỗ thông thường” - ông Hải giải thích.
Theo ông Hải, Trung tâm Giải pháp công nghệ FPT đang tiếp tục phối hợp với ngành đường sắt rà soát và xác minh để triệt tiêu phần mềm nêu trên.
Ga Sài Gòn nói gì? Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, về việc nhiều người không mua được chỗ trên mạng dù chỗ đó hiển thị còn trống, ngoài nguyên nhân bị phần mềm giữ chỗ tự động can thiệp còn do những chỗ này đang được bán trực tiếp ở các cửa vé nhưng giao dịch chưa xong. Do đó, với những trường hợp này, trên hệ thống bán vé chưa cập nhật và người đặt qua mạng sẽ không chọn mua được. |