Khắc phục bão bụi ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2
- Thứ bảy - 22/10/2016 04:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trao đổi với Dân trí tại thực địa khu vực dự án, ông Nguyễn Trung Trực, Phó chủ tịch thường trực huyện Tuy Phong cho rằng nguyên nhân của sự cố trước đây bắt nguồn từ 2 sự chủ quan, thứ nhất là của Nhà máy, khi tro xỉ thải ra không được phun nước, lu lèn và không được chia vào các ô nhỏ.
"Sự chủ quan thứ hai là do sự giám sát, kiểm tra lỏng lẻo của Chính quyền địa phương mặc dù đã được phản ánh của người dân. Lúc đó, người dân phản ánh rằng: Thời điểm xảy ra sự cố, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành đường nội bộ chở tro xỉ'. Không có xe bồn chở xỉ mà dùng xe ben chở xỉ từ nhà máy ra bãi xỉ. Xe cũng không che chắn cẩn thận nên khi qua đường dân sinh làm rơi vãi xỉ dọc đường", ông nói.
Còn một nguyên nhân khách quan nữa dẫn đến sự cố môi trường tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là do gió lớn, lốc xoáy tạo thành những cuộn bụi lớn bốc từ bãi xỉ quay ngược trở ra phủ khắp 1 vùng 5km với mật độ dày như sương mù.
Ý thức được tầm nghiêm trọng của sự cố là do thiếu nước tưới các bãi xỉ, Nhà máy đã đầu tư một hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt, xây hồ trữ nước và dẫn nước từ hồ Đá Bạc đưa về để tưới xỉ.
Khi xảy ra biến cố, người dân đã yêu cầu phải dừng nhà máy và thêm một yếu tố nữa là do sự ảnh hưởng cộng hưởng từ sự kiện giàn khoan 981 nên người dân càng bất bình khi nói tới Trung Quốc, ông Trực cho biết thêm.
Tuy nhiên, các Bộ, ngành, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt cùng với sự tập trung, nỗ lực của Nhà máy Nhiệt điện thì đến giờ này việc khắc phục hậu quả từ khâu sản xuất đến khâu vận hành đã có hiệu quả rất đáng kể.
Ông Trực chia sẻ, sự quản lý được làm chặt chẽ qua 3 khâu, thứ nhất, nhà máy đã hoàn chỉnh các đánh giá tác động Môi trường được các Ngành, Bộ phê duyệt. Căn cứ theo đó tỉnh Bình Thuận cũng đã xây các quy chế hoạt động, phối hợp chặt chẽ giữa Tỉnh, huyện và địa phương.
Thứ hai là UBND huyện Tuy Phong cũng đã thông qua đoàn thể và hệ thống chính trị này sử dụng cốt cán chính trị tại địa phương giám sát các hoạt động của nhà máy một cách chặt chẽ.
Khâu cuối cùng là Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã xây dựng được một hệ thống quan trắc công khai, minh bạch. Bất cứ ai, ngồi ở bất cứ đâu chỉ cần có kết nối mạng internet cũng có thể truy cập và nhìn thấy toàn bộ bãi xỉ, nhà máy và các hoạt động bên ngoài nhà máy có gây ảnh hưởng tới môi trường thông qua hệ thống camera.
Nhờ quản lý chặt chẽ từ 3 khâu nên đến giờ này việc sự cố môi trường của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 nói riêng và các nhà tiếp theo nói chung cũng được đảm bảo. Tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ công nhân viên nhà máy từ khi xảy ra sự cố là lớn vì nếu không làm tốt sẽ tạo sự bất đồng lớn trong nhân dân.
Cùng trao đổi với đoàn công tác kiểm tra tình hình môi trường, ông Thiên Thanh Sơn, Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân cho biết, nhà máy đã được trang bị hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), hệ thống khử (Nox (SCR), SOx (FDG),..) và hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo khí thải và nước thải của nhà máy sau khi xử lý và thải ra môi trường đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường hiện hành.
Việc xử lý tro xỉ của các nhà máy Nhiệt điện luôn là vấn đề cấp bách và được quan tâm nhất. Cũng giống như nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, tro xỉ thải ra của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã được một công ty kí hợp đồng bao tiêu toàn bộ để sản xuất gạch không nung kể từ ngày 1/1/2017 tới đây với thời gian lên tới 28 năm.
Lãnh đạo của tập đoàn điện lực chia sẻ, do áp lực cấp điện cho Miền Nam vô cùng cấp thiết nên khi đưa nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vào hoạt động chưa có sự chuẩn bị kĩ lưỡng và còn thiếu kinh nghiệm quản lý từ cả địa phương lẫn Nhà máy đã dẫn tới sự cố không đáng có. Tuy nhiên, sự phối hợp tốt của các cấp ban ngành đã giải quyết được hậu quả, đưa nhà máy hoạt động trở lại và giúp người dân phát triển kinh tế xã hội.
Thế Hưng