Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Kêu gặp hàng loạt khó khăn, ngành than sắp được "giải cứu"

Kêu gặp hàng loạt khó khăn, ngành than sắp được "giải cứu"
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
(Ảnh minh hoạ).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn TKV.

Trong đó lưu ý các chính sách về các loại thuế liên quan tới ngành than (thuế suất, giá tính thuế tài nguyên và thuế nhập khẩu than) trong giai đoạn khó khăn để bảo đảm cạnh tranh, giữ vững thị trường và năng lực sản xuất của ngành than; các giải pháp về tái cấu trúc của Tập đoàn TKV để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Về thị trường tiêu thụ than, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cơ chế xuất khẩu than cho giai đoạn 5 năm 2016-2020 để ngành than chủ động điều hành sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đồng thời khuyến khích các hộ sử dụng than trong nước để giảm tồn kho, sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, ổn định việc làm, an sinh xã hội trên địa bàn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị sử dụng than cho sản xuất điện thực hiện nghiêm túc mua than theo kế hoạch Bộ Công Thương giao kể cả nhu cầu tăng thêm và theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh than.

Trước đó, phát biểu ý kiến tại Hội nghị giao ban ngành công thương tháng 7, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc TKV cho biết, hiện tình hình sản xuất của Tập đoàn gặp nhiều khó khăn do tình hình mưa lũ. Dự kiến, kế hoạch sản xuất 6 tháng cuối năm sẽ giảm về sản lượng.

Lý giải nguyên nhân vì sao than trong nước kém cạnh tranh hơn so với than nhập khẩu, ông Biên cho rằng, thuế tài nguyên của Việt Nam cao hơn các nước như Indonesia, Úc, Trung Quốc từ 5 - 7%.

Theo đó, Phó Tổng giám đốc TKV đề xuất giảm thuế tài nguyên trong nước, tránh để than nước ngoài tràn vào Việt Nam làm ảnh hưởng đến sản xuất, tình hình việc làm của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã đề ra các giải pháp ổn định việc làm bằng cách giảm sản lượng đủ để công nhân mỏ làm việc 5 ngày/tuần.

Đây không phải là lần đầu tiên TKV kêu khó do thuế tài nguyên cao. Trước đó, trong tháng 4, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Năng lượng cho biết, TKV đã có văn bản gửi hai tổng cục này kiến nghị xem xét giảm thuế tài nguyên nói chung và thuế tài nguyên đối với sản phẩm than nói riêng bằng mức các nước trong khu vực. Cụ thể: than hầm lò 5%, than lộ thiên 7%, không tính phí môi trường trên cả đất đá thải ra trong quá trình khai thác.

Trong văn bản kiến nghị này, TKV từng trình bày: Trong các năm gần đây, ngành Than gặp nhiều khó khăn, bởi nhu cầu năng lượng cũng như giá than trên thị trường thế giới đều giảm, trong đó giá than giảm trên 30%. Thế nhưng, các loại thuế, phí lại tăng chiếm khoảng 15%, gồm: Thuế tài nguyên bình quân 10%; phí môi trường và thuế môi trường khoảng 2,5%; tiền cấp quyền khai thác 2%; các loại thuế, phí khác 0,5%. Ngoài mức thuế và phí nói trên, sản phẩm than trong nước phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng.

Thêm vào đó, theo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, thuế tài nguyên sẽ tiếp tục tăng thêm từ ngày 1/7/2016. Theo đó, sản phẩm than khai thác lộ thiên sẽ tăng 12% và than khai thác hầm lò 10%. Theo tính toán, với mức thuế tài nguyên điều chỉnh tăng đồng nghĩa với việc TKV tăng chi phí phải nộp lên khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

TKV cho biết, đối với sản phẩm than xuất khẩu, tổng số thuế sẽ bằng 35% giá thành/tấn than. Theo đó, đơn giá tính thuế tài nguyên, phí môi trường và phí cấp quyền khai thác cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng ngày càng tăng.

Phương Dung

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây