Hỗn loạn thị trường mũ bảo hiểm
- Thứ hai - 05/06/2017 08:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mới đây tại cuộc họp góp ý cho dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 87/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy sẽ có hiệu lực thi hành (1-7-2017) Câu lạc bộ doanh nghiệp (DN) mũ bảo hiểm (MBH) TP.HCM cho biết dù nghị định này chưa có hiệu lực thi hành nhưng lại "phải sửa đổi" theo hướng có lợi cho các DN sản xuất "linh kiện" MBH.
Cụ thể trong Điều 5: Điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm; khoản 4b của dự thảo bổ sung Trường hợp DN chỉ có thiết bị ép, để sản xuất vỏ mũ, thiết bị dập đinh tán…DN phải trang bị khuôn mẫu để sản xuất lớp hấp thụ xung động. Các khuôn mẫu này phải có ký hiệu nhận dạng của DN (logo hoặc nhãn hiệu). Đồng thời, đối với các tổ chức, DN gia công chế tạo lớp hấp thụ xung động cho DN phải có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu quy định…để đảm bảo lớp hấp thụ xung động được lắp ráp thành MBH có chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Câu lạc bộ MBH TP.HCM cho rằng đây là một bước thụt lùi trong quan niệm kinh doanh có điều kiện về MBH. Nhiều năm nay, MBH giả, mũ không phải MBH vẫn bày bán đầy lề đường. Trong khi nhà nước muốn lành mạnh hóa thị trường MBH mà cứ “châm chước” giải quyết theo phương án này cho một số DN nhỏ, không có đủ năng lực kỹ thuật kiểm soát chất lượng. Cùng với cơ chế quản lý lỏng lẻo hiện nay, sẽ không giải quyết được vấn nạn mũ giả MBH như mục tiêu đề ra.
“Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn có một số cơ sở sản xuất mũ giả MBH, họ chỉ đi mua linh kiện về để lắp ráp nên không thể kiểm soát được chất lượng. Nên dẫn đến một thị trường hỗn loạn mà bao nhiêu văn bản pháp quy từng ra đời cũng đành bó tay trước tình trạng này” ông Hồ Lê Phong, Chủ tịch Câu lạc bộ MBH TP.HCM chia sẻ.
QLTT TP.HCM phát hiện cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm giả
Theo ông Phong, khi Nghị định 87 ban hành, một số cơ sở chuyên sản xuất dưới hình thức này đã phản ứng về việc yêu cầu phải có đủ trang thiết bị và khuôn mẫu cho các phần quan trọng nhất của mũ là vỏ mũ và đệm hấp thu xung động. Đối với những cơ sở trước đây chuyên “sản xuất và bán” linh kiện là những đối tượng phản ứng dữ dội nhất. Từ đó đã hình thành đường dây vận động để bỏ quy định này.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất đưa quy định này vào Nghị định 87 đã ban hành. Nếu vì một lý do nào đó mà bỏ quy định này, tình hình sản xuất, kinh doanh MBH sắp tới sẽ là “bổn cũ soạn lại”.
Thêm vào đó, những quy định về ISO 9001 và hợp đồng liên kết sản xuất lớp đệm hấp thu xung động quy định trong dự thảo nghị định có qua nhiều kẽ hở để lách. Không có đủ cơ sở cũng như biện pháp quản lý để kiểm soát, chứ không giống như được nêu trong tờ trình là “mang tính ràng buộc pháp lý.
“Vì vậy, câu lạc bộ MBH TP.HCM đề nghị bỏ hẳn quy định này, giữ nguyên nội dung như Nghị định 87 đã ban hành” ông Phong nhấn mạnh.
Ngoài ra, dự thảo có nói sự thuận lợi “khi nghị định 87/2016 NĐ-CP có hiệu lực…việc kinh doanh MBH đã đi vào nề nếp, tạo được một thị trường mũ bảo hiểm lành mạnh,…bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất kinh doanh chân chính theo quy định của pháp luật”.
Ông Phong cho biết, các DN hoàn toàn không đồng ý về nhận định này, vì hiện nay, trên thị trường vẫn thấy các loại mũ giả MBH được bày bán, sử dụng công khai. Nên không thể nói quyền lợi chính đáng của DN được bảo vệ. Cũng như nghị định chưa có hiệu lực thì không có cơ sở nào nói thuận lợi như trên.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ đề nghị đưa vào Nghị định vai trò Chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm, mũ giả mũ bảo hiểm trong địa phương của mình. Vì việc quản lý của chính quyền địa phương đối với sản xuất mũ giả MBH là cần thiết cũng như vai trò của chính quyền địa phương trong việc chống hàng gian, hàng giả là quan trọng.