Hơn 10,5 triệu tỷ đồng tái cơ cấu kinh tế: "Kế hoạch tốt cũng cần truyền thông"
- Thứ tư - 26/10/2016 08:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Báo cáo trước Quốc hội ngày 20/10, Chính phủ cho biết, nguồn lực để thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến khoảng 10.567.000 tỷ đồng theo giá thực tế.
Con số hơn 10,5 triệu tỷ đồng không khỏi khiến người ta giật mình vì quy mô quá lớn! Chỉ làm một phép so sánh thôi, đó là tổng quy mô GDP của Việt Nam phấn đấu đạt được trong năm 2016 này là 5,1 triệu tỷ đồng, tuy nhiên ước thực hiện cũng chỉ ở mức khoảng 4,6 triệu tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, trước những bình luận rôm rả mang tính "đầy hoài nghi" rằng "lấy tiền đâu ra nhiều thế" để tái cơ cấu, ông bày tỏ quan điểm rằng: con số 10,5 triệu tỷ đồng là tổng mức đầu tư toàn xã hội trong 5 năm mà Nhà nước phần lớn tập trung chính sách gián tiếp phân bổ tăng hiệu quả sử dụng của các thành phần kinh tế chứ không phải nguồn vốn Nhà nước huy động
Trước đó, giai đoạn 2011 đến 2015, Việt Nam đã đầu tư 5,62 triệu tỷ đồng, mục tiêu kế hoạch tổng đầu tư khoảng 32% - 34% GDP theo kịch bản đã chọn.
Gác lại con số trên, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 có khá nhiều nội dung đáng chú ý. Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2018 có một số nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện ngay, đó là kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất. Theo đó, Chính phủ cũng đề xuất áp dụng các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém.
Theo ông Hưng, "cho phá sản ngân hàng thực chất không khác nhiều so với mua 0 đồng vì nguyên tắc cả 2 phương án thì đều đảm bảo không gây thiệt hại cho người gửi tiền, khác biệt duy nhất là gắn trách nhiệm của các chủ ngân hàng bị phá sản với các khoản tín dụng liên quan và nợ xấu".
Bên cạnh đó, một số giải pháp khác cũng được đưa ra như ưu tiên phát triển thị trường tài chính (mà điều này theo ông Hưng là "dân chứng khoán sẽ rất vui"), hay phát triển thị trường mua bán nợ và áp dụng Basel II cho các tổ chức tín dụng...
Đề án tái cơ cấu giai đoạn tới cũng đặt vấn đề tái cơ cấu thị trường đất đai, bất động sản tuy nhiên chưa đặt vấn đề đánh thuế sở hữu bất động sản. Ông Hưng cho rằng, nếu đánh thuế sẽ ngăn được việc đầu cơ tăng giá là một trong các nguyên nhân chủ yếu của lạm phát và nợ xấu.
Ông Hưng đánh giá, đề án này đã phân định rõ Nhà nước làm gì và tư nhân làm gì, chọn kịch bản áp lực nhất: GDP tăng khoảng 7%, bội chi ngân sách 4%, lạm phát khoảng 3,5% và dùng mô hình kinh tế để lượng hoá tác động.
Nhà nước không tập trung vào huy động nguồn lực (tức là giảm thiểu vai trò đầu tư kinh doanh của Nhà nước) mà tập trung vào chính sách để gián tiếp phân bổ nguồn lực, khu vực tư nhân sẽ là lực lượng quan trọng của quá trình tái cơ cấu.
Dẫn ý kiến của một chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Hưng cho hay, "đây là đề án có bước đột phá mang tính khả thi cao nhất mà chính phủ đã đưa ra".
Bản thân ông Hưng cũng nhìn nhận, "đây thực sự là một đề án mang tính thị trường nhất từ trước tới nay" với các bước đi và hành động rất cụ thể mà Chính phủ mới vừa đưa ra. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, có thiếu chăng ở đề án này đó là "thiếu công đoạn truyền thông chính sách để mọi người có thể hiểu và không tranh luận tiêu cực".
Trước đó, liên quan đến câu chuyện huy động nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, điều quan trọng nhất trong tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 đó phải phân bổ lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả để khơi thông các dòng chảy của nền kinh tế.
Đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại, một nguồn lực rất lớn đang nằm trong khu vực Nhà nước, con số này lên tới 400 tỷ USD, đó là chưa tính đến các nguồn lực như đất đai. Do vậy, cần phải tái cơ cấu, sắp xếp lại để khơi thông nguồn lực này.
Ông Cung cho rằng, vấn đề huy động vốn, Việt Nam đã làm rất tốt và đã đến tới hạn. Vấn đề bây giờ không phải chỉ là huy động nguồn lực mà phải sử dụng hiệu quả những nguồn lực đang có.
“Nếu không sử dụng tốt thì các dòng chảy sẽ khô cạn dần, không thể tạo được các dòng chảy, các dòng xoáy, mở rộng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế”, vị chuyên gia nhận định
Bích Diệp