Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


“Giá ô tô năm 2018 chẳng những không rẻ mà còn đắt hơn!”

“Giá ô tô năm 2018 chẳng những không rẻ mà còn đắt hơn!”
Tâm lý kỳ vọng “đợi hàng” năm 2018 để hưởng lợi từ thuế nhập khẩu về 0% đã khiến Ô tô TMT trải qua một năm kinh doanh sa sút, lãi giảm tới 76% trong năm 2017. Tuy nhiên, theo hãng này, giá bán không hề rẻ hơn mà lại còn tăng cao trong năm 2018.

Quần quật làm ăn cả quý, lãi hơn 1 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Ô tô TMT vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2017 cho thấy, mặc dù đã có những nỗ lực nhất định trong quý IV song hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này trong năm vừa qua vẫn vô cùng chật vật.

Kinh doanh chật vật, TMT lại đang có khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng lên tới gần 1.500 tỷ đồng.

Theo đó, trong quý IV/2017, TMT ghi nhận doanh thu đạt trên 527 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với giá vốn hàng bán ở mức cao (chiếm tới gần 87% tổng doanh thu), chi phí tài chính tăng gấp rưỡi, chi phí bán hàng tăng gần 4 lần và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 1,5 lần nên phần lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn lại 1,8 tỷ đồng. Dù vậy, con số này cũng đã cải thiện đang kể so với mức lỗ thuần 3,8 tỷ đồng của quý IV/2016.

Cộng thêm khoản lợi nhuận khác, TMT báo lãi trước thuế 2,3 tỷ đồng trong quý cuối năm, tăng 21% so cùng kỳ. Lãi ròng còn 1,3 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ gần 5%.

Với sự cải thiện khiêm tốn về kết quả kinh doanh trong quý IV, cả năm 2017, TMT đạt tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 15,5 tỷ đồng (chỉ bằng 1/4 kết quả đạt được năm 2016) và lãi ròng 11,3 tỷ đồng (giảm hơn 76%).

Trong khi đó, tổng nợ phải trả đến cuối năm ngoái đã tăng lên 2.289,7 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ đồng sau 1 năm. Đáng nói là phần lớn nợ phải trả của TMT là nợ ngắn hạn, chiếm hơn 95% tổng nợ. Nợ ngắn hạn của TMT chủ yếu là vay ngắn hạn ngân hàng, lên tới 1.496,4 tỷ đồng.

Khoản nợ ngắn hạn này cũng gần ngang ngửa với tài sản ngắn hạn (2.299,5 tỷ đồng). Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, hàng tồn kho chiếm tới 67%. Giá trị hàng tồn kho của TMT hiện ở mức 1.547 tỷ đồng, tăng gần 8% so với 2016.

Giá xe sẽ tăng trong năm 2018

Giải thích cho tình trạng kinh doanh sa sút trong năm vừa qua, TMT cho biết, một trong những nguyên nhân chính là kể từ 1/1/2018, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN có hiệu lực. Theo đó, thuế nhập khẩu ô tô (đạt tỉ lệ nội địa hoá đạt 40%) và thuế nhập khẩu linh kiện ô tô về mức 0%. Điều này dẫn tới tâm lý kỳ vọng của khách hàng chờ đợi sang năm 2018 khi giá xe ô tô giảm mới mua. Điều này đã làm ảnh hưởng đến công tác bán hàng năm 2017 của TMT.

Tuy nhiên, TMT cũng cho rằng, trên thực tế thì sang năm 2018 giá xe ô tô không những không giảm mà còn tăng. Đặc biệt là dòng xe thương mại, do từ 1/1/2018, Việt Nam chỉ cho phép doanh nghiệp nhập khẩu xe tải (bao gồm cả linh kiện để lắp ráp và xe nguyên chiếc) là sử dụng mức khí thải động cơ EURO 4 thay EURO 2 như hiện nay.

Sự thay thế này không thay đổi công năng sử dụng của xe nhưng sẽ làm tăng chi phí từ 2.000 đến 3.000 USD/xe (tải nhẹ/tải trung) và từ 4.000-6.000 USD/xe (tải nặng) sẽ làm cho chi phí giá thành tăng cao, khách hàng phải gánh thêm chi phí này. Như vậy giá bán sẽ tăng. Cụ thể, từ cuối tháng 12/2017 và đầu tháng 1/2018, TMT đã tăng giá một số chủng loại xe EURO 2.

Thêm một nguyên nhân nữa ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm qua, theo TMT, xuất phát từ tình hình đầu tư công giảm, đặc biệt là các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng giảm, dẫn tới việc đầu tư mua sắm xe tải giảm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TMT đã có 3 phiên giảm giá liên tục. Đóng cửa phiên 22/1, mã này tiếp tục bị mất tới 5,7% về mức 8.300 đồng/cổ phiếu.

Bích Diệp

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây