Giá gạo Việt đang cao hơn gạo Thái, XK nông sản thu về 6,1 tỷ USD
- Thứ hai - 05/03/2018 10:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gạo tăng trưởng mạnh
Trong 2 tháng đầu năm 2018, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao hơn so với gạo của Thái Lan khi có giá lên tới 475 USD/tấn. Đây cũng là mức giá tăng cao hơn so với năm 2016 là 435 USD/tấn và năm 2017 là 450 USD/tấn. Gạo xuất khẩu giá cao khiến giá trị xuất khẩu đã đạt 419 triệu USD , tăng hơn 30% so với cùng thời điểm năm 2017.
2 tháng đầu năm 2018, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên tới 475 USD/tấn, cao hơn so với Thái Lan. Ảnh: I.T
Giải thích nguyên nhân giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao hơn gạo Thái Lan sau nhiều năm bị đánh giá là thua kém, lép vế, ông Nguyễn Quốc Toản - Phó Cục trưởng thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, trong 2 năm trở lại đây, thị trường gạo xuất khẩu đã có sự tham gia nhiều hơn của khối doanh nghiệp (DN) tư nhân.
Dù chưa thể sánh với Thái Lan trong khâu xây dựng thương hiệu và chế biến, nhưng các DN cũng bước đầu quan tâm, đầu tư nhiều hơn trong đẩy mạnh chế biến gạo dù tỷ lệ vẫn còn ở mức thấp.
Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng trường trực Bộ NNPTNT cho hay, giá gạo xuất khẩu tăng cho thấy tái cơ cấu ngành sản xuất, chế biến gạo bước đầu đã hiệu quả. Giá gạo tăng do tái cơ cấu xuất khẩu trong 2 năm qua đã ưu tiên các sản phẩm gạo chất lượng cao như gạo thơm, gạo nếp giá cao. Trong năm ngoái 2017, tỷ lệ gạo chất lượng cao chiếm tới 81% trong cơ cấu xuất khẩu.
Cũng theo ông Hà Công Tuấn, để tiếp tục nâng cao giá trị ngành gạo ngành nông nghiệp tiếp tục kiên trì triển khai các biện pháp sản xuất và chế biến gạo với các giống lúa chất lượng cao. Qua theo dõi số lượng hợp đồng đã ký từ các DN, trong năm nay Việt Nam dự báo sẽ xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo.
Giá gạo xuất khẩu tăng cho thấy tái cơ cấu ngành sản xuất, chế biến gạo bước đầu đã hiệu quả. Để tiếp tục nâng cao giá trị ngành gạo, ngành nông nghiệp tiếp tục kiên trì triển khai các biện pháp sản xuất và chế biến gạo với các giống lúa chất lượng cao. Qua theo dõi số lượng hợp đồng đã ký từ các doanh nghiệp, trong năm nay Việt Nam dự báo sẽ xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo. Thứ trưởng Hà Công Tuấn |
Theo ông Trần Quốc Tuấn - Chánh văn phòng Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 2 năm 2018 ước đạt 2,6 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2018 đạt 6,1 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017. Năm nay nông dân ĐBSCL ăn tết rất phấn khởi do giá một số trái cây tăng cao, có lúc khan hàng.
Tại khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, tranh thủ thời tiết nắng ấm sau nghỉ tết, nông dân nhiều địa phương đồng loạt xuống đồng gieo cấy. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương thực hiện nghiêm Công điện 240/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Cục Trồng trọt, năng suất lúa đông xuân ở ĐBSCL đạt 60 tạ/ha, tăng 5 tạ so với cùng kỳ 2017. Giá lúa ở khu vực này ổn định và tăng nhẹ 100-500 đồng/kg.
Trồng trọt kỳ vọng 22 tỷ USD
Theo Bộ NNPTNT, ngay từ đầu năm, toàn ngành đã tích cực triển khai nhiệm vụ trọng tâm thực hiện kế hoạch năm 2018. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo tập trung sản xuất, chuẩn bị hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), bình ổn giá cả thị trường, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2018. Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, trong và sau dịp Tết Mậu Tuất không xảy ra sự cố nghiêm trọng về ATTP.
Trong năm 2018, lĩnh vực trồng trọt được kỳ vọng sẽ đem lại kim ngạch xuất khẩu trên 22 tỷ USD. Cùng với xuất khẩu lúa gạo khởi sắc, ngay từ đầu năm các vườn điều cơ bản đã phục hồi bật lộc, ra hoa tốt (từ 75 - 95%) và một số diện tích đã đậu quả.
Do thời tiết thuận lợi và làm tốt công tác khuyến nông, vườn điều tái phục hồi, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD. Nhãn vải dự báo sẽ được mùa trong năm nay, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các địa phương chuẩn bị tốt thị trường tiêu thụ trong tháng 3 và 4.2018.
Theo Bộ NNPTNT, một tín hiệu tốt đối với mặt hàng sắn là thị trường xuất khẩu mở rộng do nhu cầu sản xuất ethanol và dự báo năm nay kim ngạch xuất khẩu sắn có thể đạt từ 1,4-1,6 tỷ USD. Chính vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã giao Cục Trồng trọt đánh giá lại, đầu tư khoa học và tuyển chọn bộ giống sắn năng suất cao, thích hợp với các vùng sinh thái để duy trì diện tích nhưng có thể tăng sản lượng, phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Đối với lĩnh vực thủy sản, sản lượng nuôi trồng trong tháng 2 ước đạt 276.000 tấn, tăng 5,1%. Lũy kế 2 tháng, sản lượng ước đạt 551.000 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng cá tra ước đạt 163.000 tấn, tăng 8,0%; sản lượng tôm các loại đạt 58.000 tấn, tăng 6,2%. Đây là tín hiệu tốt về nuôi trồng thủy sản.
Tính chung, tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng 2 tháng ước đạt 1.047.000 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với các hoạt động chống khai thác IUU, ngày 12.1.2018, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với VASEP ban hành Sách trắng về chống khai thác bất hợp pháp; từ ngày 1.2.2018, toàn bộ các doanh nghiệp hải sản cam kết chương trình chống khai thác IUU, đồng loạt thể hiện các cam kết của mình trong vấn đề này thông qua cách thức mà Hiệp hội đề nghị; treo bảng cam kết tại nhà máy sản xuất.
Nỗ lực gỡ bỏ “thẻ vàng” Về vấn đề Ủy ban châu Âu phạt “thẻ vàng” với hải sản đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU) của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Dung - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cho biết, phía Việt Nam đã sửa đổi khung pháp lý để tuân theo quy tắc của khu vực và quốc tế, xây dựng, ban hành chặt chẽ nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra lực lượng kiểm ngư trên các vùng biển, tập trung ở vịnh Bắc Bộ, Tây Nam Bộ và các vùng biển giáp ranh Indonesia, Malaysia…. “Tổ công tác của Bộ đang làm việc với tỉnh Kiên Giang, Cà Mau để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện IUU chặt chẽ” - bà Dung cho hay. Danh sách những tàu cá đánh bắt bất hợp pháp cũng được công bố công khai trên website của Tổng cục Thủy sản. Bà Dung chia sẻ nỗ lực gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC phải là sự hợp tác, chung tay giữa các cơ quan ban ngành, địa phương. “Một mình Bộ NNPTNT không thể một mình chống IUU. Toàn bộ hệ thống chính trị cần bắt tay vào cuộc” - bà Dung bày tỏ. |