"Đường BOT là của Nhà nước, không phải muốn làm gì thì làm!"
- Thứ năm - 15/09/2016 05:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo TS Kiên, trong thời gian qua, dư luận và người dân khá bất bình vì các dự án giao thông được đầu tư bằng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh, chuyển giao) thiếu minh bạch, đội vốn và quây dân thu tiền. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trong năm 2017 sẽ thực hiện cơ chế giám sát của các dự án BOT đường bộ, kết quả sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ IV, Quốc hội Khóa XIV.
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Ông Kiên cho hay: "Điều đang gây tranh cãi nhất hiện nay, dự án BOT là của công hay của tư và cơ chế quản lý ra sao vì hiện chính sách quản lý BOT rất lỏng lẻo. Tôi khẳng định, dự án nằm trên đất, đất thuộc quyền sở hữu của toàn dân thì Nhà nước vẫn thực hiện quyền quản lý. Nhà nước thiếu vốn đầu tư cho hạ tầng, mời gọi anh vào và chỉ cho phép anh xây dựng khai thác, quản lý trong thời gian nhất định, khi nào hết thời hạn kinh doanh, doanh nghiệp phải trả lại hạ tầng cho Nhà nước. Nếu anh làm ẩu, gian dối từ thi công đến xây dựng thì phải chịu trách nhiệm".
"Do đó, từ khâu phê duyệt dự án, lập dự toán, báo cáo tài chính tiền khả thi hay kiểm tra, thanh tra và đánh giá cần hết sức nghiêm túc. Không phải đường BOT do chủ đầu tư vay tiền, xây dựng rồi đặt trạm thu phí là của họ, họ muốn làm gì thì làm", đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, với các dự án BOT đường bộ, hiện người dân không mong mỏi gì hơn là việc công khai, minh bạch thu phí và thời gian thu phí. "Vừa qua, kiểm toán có công khai qua kiểm tra rút ngắn được 20 năm thu phí của dự án BOT. Đứng ở góc độ người thụ hưởng chính sách, tôi khẳng định, chúng tôi không quan tâm thời gian thu bao nhiêu mà quan tâm đến mức phí thu thế nào, lưu lượng xe đi qua ra sao?", TS Ánh nói.
Vị chuyên gia nói tiếp: "Tại sao trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước thay vì rút ngắn thời gian thu phí, sao không yêu cầu các dự án BOT vi phạm phải giảm thu phí xuống, thay vì 45.000 đồng thì phải xuống 10.000 đồng hay 15.000 đồng/lượt để người dân, doanh nghiệp đỡ chi phí đi. Rút ngắn thời gian, thì họ vẫn thu phí cao, báo cáo sai lưu lượng và xin tăng thêm thời gian thu phí, trong hợp đồng BOT đều có phụ lục này".
Ngoài ra, theo ông Ánh, điều mà người dân quan tâm nhất lúc này chính là ai sẽ quản lý việc duyệt dự toán dự án, quyết toán dự án cũng vậy. Hôm nay họp, chỉ có Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ quan trọng nhất là Bộ Tài chính lại không có ai? Như vậy, việc giám sát trách nhiệm tài chính, tính minh bạch của dự án BOT thời gian qua sẽ như thế nào? Hiện trạng vừa qua, gây rất nhiều lo ngại làm tăng chi phí chung cho nền kinh tế.
Nhấn mạnh về quản lý, khai thác dự án BOT, TS Kiên nhấn mạnh: Vốn đầu tư BOT ở Việt Nam là chuyển từ vay ngắn hạn sang đầu tư dài hạn, chủ đầu tư thu tiền lẻ của dân nên chúng ta phải có chính sách hài hòa vừa không làm rủi ro tài chính (nợ xấu) vừa không gây bức xúc dư luận. Thời gian vừa qua dân kêu quá nhiều về BOT, không phải họ phê phán chủ trương áp dụng BOT trong hạ tầng mà kêu về sự yếu kém, việc quên đi vai trò quản lý Nhà nước, quản lý cơ sở hạ tầng phù hợp với người dân.
Cơ quan Nhà nước cứ định ra thuế phí bắt dân đóng, trong khi đó, trách nhiệm Nhà nước là cung ứng hạ tầng tương xứng với hạ tầng đó thì chưa thấy đâu. Nhiều đường dân chỉ được đi BOT mà không được phép đi đường ngân sách. Trong khi đó, tiền của dân bỏ ra đóng thuế, bảo trì đường bộ, quỹ này, quỹ kia vẫn có phải làm thế nào để ai có thu nhập khá hơn thì sử dụng cao hơn.
Nguyễn Tuyền