“Đừng bao giờ vì phong bao, phòng bì mà “quên” đi an toàn người dân”
- Thứ tư - 04/04/2018 14:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bỏ tư duy chủ quan với an toàn
Mới đây, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại chung cư Carina Plaza (quận 8, TP. HCM) khiến 13 người thiệt mạng và 14 người bị thương. Vụ cháy cũng khiến 17 ô tô và hơn 340 xe máy bị thiêu rụi. Liên tiếp sau đó cũng đã xảy ra nhiều vụ hoả hoạn khác tại chung cư.
Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đó những là bài học sâu sắc cho các cơ quan chức năng, chủ đầu tư và người dân trong việc tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra khi không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Ông Đặng Hùng Võ nói:
Kể cả nhà quản lý, chủ đầu tư và lẫn người mua nhà nhiều khi không có cách nhìn dài hạn. Chúng ta chưa bao giờ tư duy đến trường hợp xấu nhất có thể sẽ xảy ra với chính chúng ta. Thay vào đó, chúng ta thường nghĩ điều tồi tệ đó sẽ không xảy ra đâu hoặc sẽ xảy ra ở đâu đó chứ không thể xảy ra với mình, với dự án của mình, với địa phương nơi mình quản lý.
Đó là lối tư duy cực kỳ hạn chế. Nhiều chung cư hiện nay rất tuềnh toàng trong việc đảm bảo an toàn PCCC. Nhiều chủ đầu tư bỏ qua việc đầu tư các phương tiện phòng chữa cháy tự động. Vì thực tế đầu tư sẽ rất tốn kém, trong khi lại có suy nghĩ “sẽ không cháy đâu” nên tặc lưỡi cho qua nhằm tăng lợi nhuận cho mình.
Đến khi sự cố xảy ra thì việc bồi thường hậu quả rất lớn, lớn hơn nhiều so với chi phí đầu tư luôn từ ban đầu. Rồi chưa kể dính đến pháp lý, mất uy tín, còn ai dám mua nhà của những chủ đầu tư để xảy ra sự cố như vậy?
Qua vụ cháy vừa rồi ở TP.HCM, đây là dịp cần thay đổi lại tư duy. Đó là cần bài bản hơn, chính quy hơn và luôn đề phòng những điều xấu nhất đều có thể xảy ra với mình.
Không chỉ đối với chủ đầu tư, khách hàng khi mua nhà cũng vậy. Nhiều người cảm thấy khi mua được nhà đã hồ hởi lắm rồi và nhiều người cũng không lo lắng nhiều vấn đề đảm bảo PCCC, cũng như nhiều khía cạnh khác về bảo đảm an toàn cho nơi ở.
Thay vào đó, tôi thấy nhiều người đi mua nhà chỉ quan tâm mỗi chuyện nó có tiện đường đi làm không, nội thất có “xịn” không. Tất nhiên những việc đó cũng quan trọng và cần được cân nhắc nhưng tìm một nơi để ở, để an cư thì đâu chỉ có mỗi việc đó, an toàn thì mới có an cư.
Cần phải đi xem PCCC ở đây như thế nào. Hệ thống thoát hiểm khi xảy ra sự cố ra sao. Nhiều người không nghĩ dài hơi rằng tình huống xấu có thể xảy ra.
Đến khi dọn vào ở rồi, thử hỏi trong số các cư dân chung cư hiện nay có bao nhiêu người từng thực tập nghiêm túc các tình huống báo cháy giả định của cơ quan chức năng? Hay phần lớn chúng ta trốn được là trốn?
Thưa ông, vậy còn vai trò quản lý của các cơ quan chức năng trong vấn đề này thì sao?
Chắc chắn không thể phủ nhận trách nhiệm các cơ quan quản lý khi xảy ra các sự cố như vậy. Nếu cơ quan quản lý làm đúng chức năng, trách nhiệm của mình thì chủ đầu tư họ sẽ không dám lơ là, không dám vô trách nhiệm được và không dám tự cắt bỏ nhiều hạng mục phải đầu tư.
Nhiều khi xảy ra các vụ việc ở chung cư, hỏi quận hay phường thì gần như có câu trả lời là không nắm được thông tin, không được bàn giao, v.v. Để nâng cao trách nhiệm cơ quan quản lý thì cần công khai toàn bộ hồ sơ về chung cư đó để tất cả các cấp có đủ thông tin mà cùng vào cuộc. Lúc đó phường hay quận không thể nói “tôi có biết đâu được”. Đây chính là bài bản cơ bản nhất để nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Bên cạnh việc khẩn trương kiểm tra đánh giá trang thiết bị cũng như việc tuân thủ quy định phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư thì tôi cho rằng, có một vấn đề cấp thiết và quan trọng hơn đối với cơ quan quản lý đó là việc nâng cao thái độ tuân thủ và kỹ năng sống của các cư dân sống tại các khu chung cư cao tầng.
Lãnh đạo Hà Nội vừa công bố vẫn còn 29 chung cư vi phạm PCCC, đặc biệt có 15 công trình khó khắc phục. Theo ông cần xử lý thế nào vì đây là vấn đề rất quan trọng vì liên quan đến an toàn của người dân?
Tôi cho rằng cần phải cương quyết yêu cầu chủ đầu tư phải làm và làm cho tử tế. Như bạn nói, đây là câu chuyện liên quan đến an toàn của người dân, không thể làm “ngơ” được. Thay vào đó cần phải gắt gao hơn, xử lý nhanh chóng hơn nữa, đừng xuề xoà rồi để lại hậu quả lớn.
Vấn đề gì thì cũng có cách giải quyết, kiên quyết không thể nói “khó” mà không làm, mà bỏ mặc được. Bằng mọi cách phải xử lý vì an toàn tính mạng con người là quan trọng, kể cả chủ đầu tư bị lỗ lớn vẫn phải làm.
Thị trường sẽ "khựng" lại nhưng giá nhà khó giảm
Sau vụ cháy, một số dự báo cho rằng thị trường căn hộ sẽ “khựng” lại, tâm lý người mua sẽ dao động và đắn đo trước quyết định mua chung cư. Ông nghĩ sao về vấn đề này ?
Vụ cháy thường tâm tại chung cư Carina thực sự là bài học lớn để chúng ta rà soát lại cách thực hiện chiến lược phát triển nhà ở của nước ta, trong đó loại hình căn hộ chung cư chiếm tới 80%. Theo chiến lược này, bất động sản đô thị chủ yếu sẽ là chung cư, vì giá rẻ phù hợp với thu nhập của đại đa số cư dân, hơn nữa hệ số sử dụng đất lại rất cao.
Tuy nhiên, nếu nay xảy ra nay vụ này, mai vụ khác mà đặc biệt là vụ việc có hậu quả lớn như Carina Plaza thì thực sự chung cư sẽ trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người.
Nhiều người nói sẽ chuyển sang đất nền xa một tý nhưng an toàn hay một số người có điều kiện hơn thì nói sẽ cố gắng phấn đấu mua nhà đất trong thành phố như nhà liền kề chẳng hạn. Đây cũng chỉ là những tư duy kiểu hoảng sợ nhất thời mà không thể thay thế chung cư trong dài hơi.
Mặt khác, từ những sự cố hiện tại, các cơ quan quản lý và các chủ đầu tư buộc phải thay đổi tư duy và bảo đảm đầy đủ trách nhiệm. Mọi người cũng sẽ yên tâm mà mua các căn hộ chung cư.
Vì vậy, vấn đề đặt ra lúc nay là phải giải quyết tốt được vấn đề an toàn thì mới sớm lấy lại cầu về chung cư và tiếp tục thực hiện thành công chiến lược phát triển nhà ở của chúng ta. Nói rộng hơn, cần phải rà soát lại, không chỉ có việc cháy nổ mà tất cả những vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của cư dân từ nhiều nguyên nhân khác nữa như ngập lụt, ngã từ trên cao, sập thang máy, nước ô nhiễm chất độc, v.v.
Tất cả đều cần được xem xét lại toàn bộ và yêu cầu chủ đầu tư bằng mọi giá phải thoả mãn được. Chủ đầu tư không chịu làm ăn tử tế thì là họ tự làm hại mình. Có vấn đề gì về sau thì họ vẫn liên đới, đừng tính chuyện phủi tay được. Bây giờ thà họ bỏ ra 1 đồng để đầu tư còn hơn mai sau này mất cả 100 đồng để giải quyết sự cố mà chưa chắc đã xong.
Có quan điểm cho rằng giá nhà chung cư sẽ giảm sau vụ cháy vừa qua, ông nghĩ sao?
Tôi cho rằng có thể nhu cầu mua chung cư sẽ chững lại trong một thời gian nhất định. Bởi vì tác động là sẽ có. Nhưng trước mắt, nếu nói chung cư giảm giá thì e rất khó. Nhu cầu phát triển chung cư ở đô thị là tất yếu. Người mua nhà sẽ có những dao động nhất định, song vì nhu cầu cuộc sống, vấn đề tài chính thì việc chọn mua chung cư vẫn là đương nhiên.
Đó là trước mắt, còn về lâu dài thì khó đoán. Nếu chủ đầu tư rà soát lại, làm ăn bài bản hơn, đồng thời các cơ quan quản lý làm đúng, làm đủ, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện tốt các quy định thì làm sao mà giảm giá được. Ngược lại, nếu cơ quan quản lý tiếp tục xuề xoà, chủ đầu tư tiếp tục thiếu trách nhiệm, liên tục xảy ra hết vụ nọ đến vụ kia thì chắc chắn giá sẽ giảm vì ai cũng muốn một nơi ở an toàn.
Thực tế thời gian qua, nhiều chủ đầu tư chung cư còn chủ quan, tránh né, chậm thực hiện các yêu cầu khắc phục về an toàn PCCC của cơ quan chức năng vì ngại tốn kém, không có kinh phí mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Các chung cư mới thì không bảo đảm những nhu cầu về khoảng cách ngăn cháy, lối thoát nạn, cấp nước ngăn cháy, hệ thống kỹ thuật PCCC theo quy định. Các chung cư tái định cư thường không bảo trì, bảo dưỡng thiết bị PCCC do thiếu kinh phí.
Sau vụ cháy lớn này, tôi tin rằng thị trường bất động sản, đặc biệt đối với loại hình chung cư sẽ được định vị lại theo chiều hướng bảo đảm an toàn tốt hơn.
Ông có chia sẻ hay lời khuyên gì cho cư dân để chọn được nơi ở đảm bảo an toàn PCCC?
Thật ra tôi muốn giành lời khuyên đối với nhà quản lý nhiều hơn. Cần phải thường xuyên kiểm tra, làm đúng bổn phận chức năng của mình. Đừng vì chuyện có chút ít phong bì, phong bao này nọ rồi dễ tính, xuề xoà với chủ đầu tư khi không bảo đảm đủ mọi trách nhiệm.
Chỉ khi tuyệt đối nói không với bôi trơn thì lúc đó mới đảm bảo được lợi ích cho người dân.
Còn đối với người dân, tôi cho rằng đừng vì tâm lý nóng vội mà mua một căn nhà bằng bất kỳ giá nào, thậm chí biết rất rõ là thiếu an toàn mà vẫn mua, khi đến ở rồi vẫn giữ tư duy chưa vội với bảo đảm an toàn vì chắc không xẩy ra với mình đâu. Một tư duy lạc quan thiếu căn cứ!
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Khánh (thực hiện)