Doanh nghiệp "đói" vốn vì ngân hàng chỉ "khoái" báo cáo tài chính sạch đẹp
- Thứ hai - 26/09/2016 09:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đó là thực tế mà bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh, doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội đưa ra trong quá trình gõ cửa các ngân hàng để vay vốn thời gian qua tại Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp vừa được tổ chức tại Hà Nội sáng nay 26/9.
Bà Lộc nói thêm, dù DN tôi làm hàng xuất khẩu có uy tín cho nhiều khách hàng, thậm chí Nữ hoàng Đan Mạch đã đến thăm công ty chúng tôi để xúc tiến xuất khẩu hàng sang đó nhưng uy tín đó không đảm bảo cho DN bà vay vốn một cách đàng hoàng ở ngân hàng bằng sự tín chấp. Trong khi đó có tài sản cố định, nhưng vì đất đai vướng này vướng nọ nên không thể thế chấp được.
Cũng về vướng mắc vay vốn, đại diện một DN chuyên sản xuất bu lông, ốc vít Hà Nội cho biết, hiện nay ngân hàng thắt chặt nguồn vay vốn, yêu cầu DN thế chấp. Nhưng DN chúng tôi hiện địa chỉ, đăng ký kinh doanh thì có nhưng không có sổ đỏ. Vì vậy, vay vốn rất khó khăn, tài sản không có giá trị để thế chấp ngân hàng, nên từ mấy năm nay không vay được ngân hàng.
“Hiện nay DN chủ yếu là giao dịch tài chính qua ngân hàng chứ không giao dịch vay vốn. Và chúng tôi đã phải tìm tới nguồn vốn bên ngoài với lãi suất cao hơn nhiều lần”, vị đại diện này cho biết.
Còn theo bà Phan Thị Thuận, Công ty Dâu Tơ Tằm Mỹ Đức, mô hình công ty hiện chỉ sản xuất kinh doanh theo mô hình nhỏ, phụ thuộc hoàn toàn người nông dân. Nguồn vốn gặp rất nhiều khó khăn, DN có nhà xưởng, sản xuất nhưng cũng không có đủ điều kiện vay vốn ngân vì không có chứng từ chứng minh cho tài sản thế chấp.
Nói về những bất cập trong cơ chế vay, làm việc với ngân hàng, bà Lộc than vãn: "Nhân viên ngân hàng bảo DN chúng tôi sửa báo cáo tài chính một tí thôi là có thể vay vốn. Tuy nhiên, đúng là chúng tôi cần vốn nhưng chúng tôi sẵn sàng từ chối thà chấp nhận vay bên ngoài với lãi suất cao hơn. Sửa báo cáo đó có tác dụng gì, tác dụng chỉ là ngân hàng giải quyết hơp pháp được khối tiền lớn của mình. Như vậy không phải là kết nối. Tín chấp phải đúng nghĩa là uy tín của DN chứ không phải chỉ để giải ngân. Vậy báo cáo tài chính có nói lên được gì không?", bà Bích Lộc đặt nghi vấn.
Đại diện cho giới nngân hàng, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank, nói: “Hiện nay các ngân hàng cần DN hơn bao giờ hết nhưng những vướng mắc liên quan đến cơ chế thì chúng tôi cũng cần được thông cảm vì xuất phát từ cơ chế chính sách của nhà nước, vì vậy chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng để giảm các thủ tục hành chính nhằm kết nối hiệu quả hơn với khách hàng”.
Còn theo ông Quách Hùng Hiệp, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tín chấp mục tiêu như thế nhưng sự hỗ trợ cần phải thế nào, đó là nút thắt nên cần hoàn thiện. Cơ chế chính sách phải thông thoáng để đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối giữa ngân hàng với DN, DN với ngân hàng.
“Đặc biệt, với thời đại hiện nay ngân hàng không chỉ hỗ trợ DN về vốn, lãi suất mà còn là hỗ trợ về tư vấn phương án công nghệ, phương án tài chính cho DN", ông Hùng nói.
Theo thông tin từ đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, tổng dư nợ cho vay theo các chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp đã tăng bình quân 2 năm qua khoảng 3,15 lần. Hết ngày 31/8/2016 đạt 170.068 tỷ đồng tăng 3,1 lần so với cuối năm 2015. Từ đầu năm nay đết hết tháng 8, đã có 120 NH thương mại và chi nhánh cam kết cho vay với vốn 125.641 tỷ đồng.
Nguyễn Tuyền