Dị nhân lên trời gọi mưa: Tháng 10 thuê trực thăng, tàu biển tạo mưa
- Thứ bảy - 01/10/2016 19:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Cảm hứng” từ cầu Rồng Đà Nẵng
Ông Phan Đình Phương, Giám đốc Cty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh, cha đẻ ý tưởng “Lên trời gọi mưa” cho rằng 100% dự án sẽ khả thi.
Ông cho biết, ý tưởng gây sốc này xuất phát từ việc chứng kiến cảnh hạn hán khắc nghiệt vùng Tây Nam Bộ mấy tháng trước. Cùng với đó là tình trạng ngập mặn, lũ lụt khắp cả nước gây thiệt hại lớn.
Ông Phan Đình Phương, người đề xuất Chính phủ chi nhiều ngàn tỷ thực hiện dự án “Lên trời gọi mưa”.
“Hình ảnh người dân thiếu nước, tình trạng lũ lụt, ngập mặn ảnh hưởng cuộc sống ám ảnh trong đầu tôi. Sau đó tôi nghĩ đến việc dùng hơi nước bắn vào đám mây để gây mưa, từ hình ảnh phun nước tại cầu Rồng (Đà Nẵng). Tôi quyết định viết dự án này từ tháng 3/2016, dài 112 trang, trình bày kỹ về cách thức tạo mưa”, ông Phương cho biết.
Ông cũng chính là tác giả tiết mục phun nước tại đầu Rồng (cầu Rồng, Đà Nẵng). Ông lấy sẵn chiếc vòi phun từ xe chữa cháy tự hành của mình lắp lên đầu Rồng, cùng với máy nén khí 20KW và hệ thống cột bơm, dẫn đẩy nước, vòi phun tự chế.
Với “công nghệ” này, đầu rồng phun cột nước theo chiều ngang xa đến hơn 120m.
“Nguyên lý tạo máy phun nước của cầu Rồng cũng được áp dụng trong dự án ‘Lên trời gọi mưa". Mỗi tối cầu Rồng phun nước 3 lần, mỗi lần chỉ tốn 20.000 đồng, chưa bằng một bát phở. Công nghệ này gọi là nổ thủy khí”, ông Phương mô tả.
Vị giám đốc này cho biết, biện pháp gây mưa nhân tạo khá phổ biến tại một số nước trên thế giới là dùng hóa chất iot bạc phun vào khống khí tạo mưa. Phương án này rất đắt đỏ và không phù hợp với Việt Nam.
Huy động trực thăng, tàu biển để tạo mưa
Ông Phương mô tả, cốt lõi của dự án là kiểm soát các đám mây, nhờ đó có thể hút mây gây mưa chống hạn, hoặc “buộc” mây trút mưa ngoài biển, tránh ngập lụt cho đất liền.
Cầu Rồng phun nước ở Đà Nẵng, một sản phẩm của ông Phan Đình Phương.
Ông cho rằng muốn vậy, phải đặt khoảng 1.000 trạm gây mưa khắp lãnh thổ Việt Nam, gồm cả trên biển và đất liền. Cụ thể, sẽ bố trí 100 trạm trên biển, 400 trạm rải rác ở tất cả các tỉnh thành, và 500 trạm trên hai dãy Trường Sơn - Hoàng Liên Sơn.
“Con số 5.000 tỷ chỉ là tạm ứng để thực hiện dự án. Chi phí thực hiện có thể thấp hơn, nếu tận dụng phương tiện trực thăng, ô tô, tàu biển sẵn có. Tuy nhiên, việc này có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Trong dự án trình Chính phủ, tôi cũng kiến nghị rằng số tiền này nên giao cho một bộ chỉ huy, do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo. Tôi đơn thuần là người phát minh ý tưởng chứ không ứng số tiền đó”, ông Phương nói thêm.
Cơ chế hoạt động cũng được vị giám đốc này mô tả kỹ lưỡng. Cụ thể, để tạo mưa, máy phun hơi nước sẽ đặt cố định trên xe ô tô (đất liền) hoặc tàu biển (trên sông, biển). Ngoài ra còn có hệ thống ống dây dài từ 5-10 km để phun hơi nước lên các đám mây khô.
“Loại ống này đơn vị tôi đã có thể tự sản xuất. Một hệ thống khinh khí cầu hoạt động phía trên nhằm giảm trọng lượng ống. Máy bay trực thăng sẽ làm nhiệm vụ điều chuyển ống nước lên cao. Mỗi lần như thế có thể tạo mưa trong vòng tròn 50km2”, ông Phương thuyết trình.
Ông cho biết thêm, đầu tháng 10 tới, ông có thể sẽ tiến hành thử nghiệm ý tưởng này ở TP. Đà Nẵng.
Theo Cao Nam
VietnamNet