Đề nghị xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến Formosa
- Thứ năm - 20/10/2016 20:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đề nghị đánh giá rõ về tác động của sự cố ô nhiễm môi trường đến thu ngân sách
Thay mặt Ủy bản Kinh tế, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh sáng nay (20/10) đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Theo đánh giá của Ủy ban, một số địa phương còn quá chú trọng tăng trưởng kinh tế, kết quả trước mắt, khai thác, sử dụng tài nguyên quá mức, chưa chú trọng đến tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững.
Do đó, trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cụ thể, phải tăng cường giám sát xả thải, bảo đảm đúng quy định về công nghệ và bảo vệ môi trường đối với các dự án phát triển công nghiệp; chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án kinh tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhất là các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất thép; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm môi trường.
"Chính phủ cần ban hành Nghị quyết để xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến Formosa, ổn định đời sống, bảo đảm kinh tế- xã hội của 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng", ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Ngoài ra, ông Thanh cũng cho biết, có ý kiến đề nghị đánh giá rõ về tác động của sự cố ô nhiễm môi trường đến thu ngân sách nhà nước (NSNN) đối với các tỉnh miền Trung để có biện pháp điều hành ngân sách phù hợp.
GDP năm nay dự kiến giảm 500 ngàn tỷ đồng
Liên quan đến báo cáo của Chính phủ, một số ý kiến cho rằng, 2 chỉ tiêu rất quan trọng là tốc độ tăng trưởng và tốc độ tăng xuất khẩu không đạt, GDP tuyệt đối giảm 500 ngàn tỷ đồng, nhưng không ảnh hưởng đến thu ngân sách, 11 chỉ tiêu khác vẫn đạt và vượt kế hoạch là chưa hợp lý.
Với tình trạng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung vừa diễn ra gây thiệt hại lớn, Ủy ban Kinh tế dự báo kết quả ước thực hiện cả năm GDP tăng 6,3-6,5% cũng chỉ là kỳ vọng và sẽ rất khó để đạt được. Ngược lại nếu việc kiểm soát hiệu quả không tốt, việc gia tăng giải ngân tín dụng và ngân sách trong những tháng cuối năm sẽ tạo áp lực lạm phát trong thời gian tới.
Một số ý kiến cho rằng, việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, thậm chí xuống 4,1 triệu tỷ đồng (tăng trưởng ở mức 6,3%) dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu thu và chi ngân sách chưa hợp lý, nợ xấu chưa được xử lý thực chất.
Ủy ban Kinh tế bày tỏ lo ngại tình trạng bội chi ngân sách cao, nợ công tăng nhanh trong giai đoạn trước là một trong các rủi ro lớn cho nền kinh tế, nợ công có khả năng vượt trần là 65% GDP trong năm 2016.
Thêm vào đó, việc tăng giải ngân nguồn vốn vay ODA sẽ làm dự toán chi NSNN bị phá vỡ, thâm hụt ngân sách tăng so với dự toán do Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn vay ODA, đồng thời, hiện còn đang nợ khá lớn các chính sách đã ban hành cùng với việc chưa xử lý khoản vay về cho vay lại đối với một số doanh nghiệp làm cho giá vốn ở thị trường tăng cao.
Ông Vũ Hồng Thanh lưu ý, sự sụt giảm tăng trưởng của nông nghiệp cho thấy những bất cập của một nền nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hiệu quả thấp và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Ủy ban Kinh tế cũng đưa ra đề nghị, trong bối cảnh ngành dệt may đang phải đối mặt với cạnh tranh rất gay gắt, sự cố dừng sản xuất và thu hồi điện thoại di động Galaxy Note 7 của Samsung mới xảy ra, Chính phủ cần có báo cáo bổ sung khả năng đạt chỉ tiêu tăng xuất khẩu và nhập siêu như đã dự báo.
Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước tăng 6-7% thấp hơn chỉ tiêu theo kế hoạch (tăng khoảng 10%), thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chững lại về tốc độ, đặc biệt xuất khẩu vào khu vực ASEAN (giảm 10%) và thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng (8 tháng là 18,8 tỷ USD).
Bích Diệp