Đã từng xảy ra vụ ăn cắp thẻ tín dụng lên tới 6.000 tỷ đồng
- Thứ năm - 08/09/2016 22:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chia sẻ thông tin tại Hội nghị “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/9, đại tá Trần Văn Doanh - Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cho biết: Hiện nay, vấn đề về rủi ro trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ xảy ra với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, kể cả các nước phát triển không riêng Việt Nam. Đầu năm nay, Trung tâm tội phạm mạng của Tổ chức cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) đã thông báo gửi Bộ Công an báo cáo về một số loại mã độc ATM nổi lên trong thời gian vừa qua trong đó thông báo những phương thức, cách thức tấn công ATM; các loại malware đã sử dụng; và chiến lược của Europol đối phó với các mã độc tấn công ATM.
Theo ông Doanh, tại Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào xảy ra nhưng đã xảy ra tại một số nước Đông Âu, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan... Vụ việc gần đây nhất xảy ra tại Ngân hàng First Bank Đài Loan ngày 10/7, các đối tượng đã sử dụng điện thoại di động smartphone để kích hoạt hệ thống chiếm đoạt khoảng 70 triệu Đài tệ (2,2 triệu USD). Cảnh sát Đài Loan đã bắt giữ 3 trong 16 đối tượng, đang tiếp tục truy tìm các đối tượng khác. Tại Thái Lan cũng xảy ra vụ 21 cây ATM bị rút hơn 34.000 USD mà thủ phạm nghi vấn cũng có nguồn gốc Đông Âu.
Theo báo cáo của Interpol trong quý II/2016, Đông Nam Á là khu vực xảy ra tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng khá cao. Phương thức chủ yếu hiện nay là ăn cắp thông tin thẻ tín dụng, sau đó sử dụng thông tin này để mua hàng có giá trị trên mạng như Iphone, máy tính hoặc dùng thông tin đó làm thẻ giả để rút tiền tại quốc gia khác.
Cách đây một vài năm, C50 đã phối hợp với cảnh sát Mỹ, Úc, Anh bắt 1 nhóm đối tượng, trong đó có 1 người tại Củ Chi và các Việt Kiều tại Mỹ, Anh và Úc ăn cắp tiền thẻ tín dụng của ngân hàng nước ngoài lên tới 6.000 tỷ đồng.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các khách hàng, chủ tài khoản ngân hàng thông báo, khiếu nại về việc không hề sử dụng tài khoản nhưng vẫn bị mất tiền gây xôn xao dư luận.
Liên quan đến các vụ việc chủ tài khoản khiếu nại về việc không sử dụng, không tiêu nhưng vẫn bị mất tiền trong tài khoản, đại diện C50 cũng khẳng định, không phải hệ thống ngân hàng Việt Nam bị hacker tấn công. Các vụ việc xảy ra chủ yếu nhỏ lẻ, chủ tài khoản vô tình tiết lộ thông tin tài khoản, thẻ tín dụng đến kẻ gian lợi dụng để lấy tiền. Nếu ngân hàng bị hacker tấn công thì có thể hàng triệu chủ thẻ sẽ cùng 1 lúc bị mất tiền chứ không phải chỉ 1 vài người bị mất.
Đề cập tới tình hình tội phạm trong hoạt động thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ tại Việt Nam, đại diện Bộ Công an cũng cho hay, thời gian gần đây, để đối phó việc điều tra, phát hiện xử lý của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, móc nối với các ĐVCNT làm giả thẻ, thanh toán “khống” qua POS để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của ngân hàng và chủ thẻ.
Trên thực tế, qua theo dõi, giám sát hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán thẻ trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy các sự cố rủi ro và gian lận với phương thức và thủ đoạn mới xuất hiện tại Việt Nam. Nếu như trước đây, các vụ việc gian lận phát sinh chủ yếu đối với thẻ quốc tế và đối tượng tội phạm người nước ngoài thì hiện nay các vụ việc gian lận đã chuyển hướng sang cả đối với thẻ nội địa và hệ thống ATM/POS tại Việt Nam.
Tuy nhiên, qua thống kê, đánh giá và so sánh với các nước trên thế giới, có thể thấy rằng hệ thống thanh toán của Việt Nam hiện nay vẫn được đảm bảo an toàn, với số lượng, tỷ lệ sự cố và vụ việc gian lận xảy ra ít, chỉ là hy hữu. Tuy vậy, hệ thống ngân hàng không chủ quan, không xem nhẹ, không lơ là với tình hình và xu hướng tội phạm công nghệ cao như hiện nay.
Nguyễn Hiền