“Cò”, “xã hội đen” uy hiếp đấu giá tài sản
- Thứ ba - 25/10/2016 00:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Quân xanh, quân đỏ” tham gia dìm giá, thi hành án bất lực
Thảo luận tại hội trường sáng nay (24/10) về dự thảo Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng, nếu không quy định chặt chẽ trong dự thảo thì khi thi hành sẽ xảy ra sự thông đồng móc nối, gọi là “quân xanh, quân đỏ”.
Ông Phương lý giải, trường hợp này “quân xanh, quân đỏ” chỉ tạo điều kiện cho một người tham gia và người đó sẽ dìm giá. Thực tế điều này diễn ra rất nhiều, ông Phương quả quyết.
Vấn đề này cũng được bà Hoàng Thị Thu Trang, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An nêu. Bà Trang ghi nhận, dự thảo lần này có một bước đột phá để ngăn chặn tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ” - một tình trạng đang nhức nhối hiện nay trong công tác bán đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, an toàn cho các phiên đấu giá, từ thực tiễn, đại biểu Nghệ An nêu hai kiến nghị: Thứ nhất, ngoài đấu giá viên, để tổ chức một phiên đấu giá có sự tham gia tích cực của một lực lượng khác không phải là đấu giá viên như thư ký, chuyên viên...
Bà Trang cho hay, trên thực tế, đây có thể là một nhóm người có khả năng vi phạm rất lớn song tại dự thảo luật lại chưa đề cập đến. Vì vậy, bà Trang đề nghị dự thảo xem xét bổ sung các quy định về tiêu chuẩn điều kiện, hành vi cấm và các quy định khác để quản lý hành vi của nhóm người này.
Vấn đề thứ hai đó là qua thực tiễn, các cuộc bán đấu giá tài sản, đặc biệt là bất động sản hiện nay đang bị chi phối bởi một nhóm đối tượng thường gọi là “cò”, thậm chí có cả “xã hội đen”. Những đối tượng này mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng vẫn bằng mọi cách uy hiếp những người tham gia đấu giá.
“Cá biệt như ở Nghệ An có trường hợp dùng vũ khí nóng, dùng súng để chi phối làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá thu lời bất chính vô hiệu hóa các quy định pháp luật của nhà nước gây hoang mang trong nhân dân. Chúng tôi rất tin tưởng và kỳ vọng vào những quy định mới đột phá của dự thảo. Tuy nhiên, chúng tôi không chắc chắn những quy định này sẽ triệt tiêu hoàn toàn nạn cò, nạn xã hội đen trong bán đấu giá tài sản”, vị đại biểu tỉnh Nghệ An bày tỏ.
Vì vậy, bà Trang cho rằng, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp giữa chính quyền địa phương, lực lượng công an và các tổ chức bán đấu giá trong việc bảo vệ các phiên đấu giá, nhất là những phiên đấu giá tài sản bán đấu giá có giá trị lớn.
Vị Phó Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An chỉ ra rằng, thực tiễn cho thấy có vô vàn khó khăn vướng mắc liên quan đến việc bán đấu giá tài sản trong thi hành dân sự.
“Có khi chúng tôi thấy bất lực trước sự vô hiệu của các quy định pháp luật, bất lực trước sự lãng phí về thời gian, công sức, kinh phí của Nhà nước trong việc tổ chức bán đấu giá loại tài sản này. Ngoài lý do thị trường và tình hình tài chính, có lẽ khó khăn lớn nhất ở đây chính là do tài sản khi đưa ra bán đấu giá vẫn do người phải thi hành án nắm giữ nên tâm lý của khách hàng ngại mua loại tài sản này”, bà Trang cho hay.
Đấu giá đến 20 lần vẫn không bán được
Đại biểu tỉnh Nghệ An cho biết, trên thực tế, có rất nhiều cuộc bán đấu giá không thành do không có khách hàng đăng ký. Nhiều cuộc bán đấu giá nhiều lần, cá biệt có những cuộc bán đến 14, 20 lần nhưng vẫn không bán được. Có trường hợp tài sản bán được rồi nhưng vẫn không giao được do người có tài sản chống đối quyết liệt dẫn đến vụ việc kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm gây bức xúc, gây mất an toàn trật tự xã hội.
Theo báo cáo của Chính phủ, riêng năm 2016 có đến 11.080 vụ việc đã kê biên và bán đấu giá nhưng vẫn chưa bán được, với số tiền 32.000 tỷ đồng. Có đến 260 vụ việc bán đấu giá thành nhưng vẫn chưa bàn giao được.
“Chúng tôi vẫn biết việc giao tài sản trúng đấu giá là quan hệ pháp luật thi hành án dân sự và nó được điều chỉnh tại Luật thi hành án dân sự. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ đây là thành quả của quan hệ pháp luật bán đấu giá tài sản và cần được quy định trong luật bán đấu giá tài sản. Từ những đặc thù đó và từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để quy định về bán đấu giá tài sản có hiệu quả, chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội xem xét có những quy định riêng mang tính đột phá về thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự. Có như vậy mới mong tháo gỡ được những khó khăn đã vướng mắc” - Phó Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Cũng trong sáng nay, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản sáng nay (24/10), ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết: Một số ý kiến đã gửi về Ban soạn thảo đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.
Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, tách bạch những vấn đề liên quan đến trước và sau khi tổ chức cuộc đấu giá như niêm yết việc đấu giá tài sản, đăng ký tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, xử lý tiền đặt trước và chuyển quyền sở hữu tài sản...
Đồng thời, bổ sung vào dự thảo Luật quy định hủy kết quả đấu giá tài sản theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản thuộc sở hữu Nhà nước khi có căn cứ về hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản.
Ban soạn thảo cũng đã bổ sung các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan làm cơ sở áp dụng chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản.
Bích Diệp