Chuyên gia xây dựng: Nhiều cán bộ thực thi luật không hiểu luật, nhầm lẫn cơ bản
- Thứ hai - 02/04/2018 08:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đó là ý kiến của PGS.TS. Trần Chủng, Trưởng ban chất lượng – Tổng hội xây dựng Việt Nam khi đề cập đến khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Ông Trần Chủng cho biết, ở nhiều địa phương, hiểu biết về pháp luật trong giai đoạn chuẩn bị dự án là không đầy đủ. Thậm chí những kiến thức tối thiểu của pháp luật về dự án hay những khái niệm cơ bản về thẩm tra, thẩm định còn… nhầm lẫn. Đây là một trong các vướng mắc rất lớn.
Trước thực tế này, vị chuyên gia này kiến nghị Bộ Xây dựng, cơ quan soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật cần có các quy định về cập nhật kiến thức cho các công chức, đặc biệt là các cán bộ chủ chốt của các sở xây dựng. Ngoài việc tập huấn cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần phổ biến, hướng dẫn các cán bộ thực thi pháp luật.
Ngoài ra theo ông Trần Chủng, thực trạng công tác quản lý nhà nước hiện nay vẫn còn bị ám ảnh bởi cơ chế “quản lý thời bao cấp”. “Cơ quan quản lý nhà nước luôn ở vị thế quản lý và rất ngại nghe phản biện”, ông Chủng nói.
Đặc biệt theo ông Chủng, nhiều khi việc triển khai không được đúng như mong đợi do cán bộ thực thi “gây nhũng nhiễu để tham nhũng”.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng cho biết, thực tế hoạt động đầu tư xây dựng có cả chục Luật tác động nhưng dưới luật lại còn… vô vàn nghị định, thông tư hướng dẫn nên làm cho hàng rào pháp lý rối rắm.
“Điều đáng nói, mặc dù nhiều quy định vậy nhưng vẫn bộc lộ kẽ hở vì vậy mới có hiện tượng vi phạm tràn lan về quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng… thời gian qua”, ông Hiệp cho biết.
Có dự án vướng thủ tục kéo dài đến 10 năm
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, cách thức tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng còn thiếu khoa học, làm tăng sự phức tạp và tốn kém thời gian.
Ông Hiệp lấy ví dụ, để triển khai một dự án ở cấp thành phố: Để xin được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thì Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tiếp nhận hồ sơ nhưng thực tế doanh nghiệp sẽ phải gặp trực tiếp 6 nơi như Sở Xây dựng, Quy hoạch kiến trúc, Tài chính, Cục thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường và quận (nơi có dự án) mới giải quyết được công việc.
“Chính vì vậy thời gian từ 15 ngày trên lý thuyết thì thực tế phải 5-6 tháng. Do vậy việc phân cấp xuống chính quyền cơ sở (quận, phường) giải quyết một số thủ tục cũng cần có đánh giá đúng về năng lực của bộ máy cấp cơ sở và cần xem lại việc giao cho sở đầu mối giải quyết các thủ tục để giảm bớt gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp”, ông Hiệp nói.
Ngoài ra theo ông này, công tác thanh tra của ta còn chồng chéo dẫn đến thực trạng trong một quý, một doanh nghiệp có thể tiếp đến 5, 6 đoàn thanh tra của các sở, ngành khác nhau về cùng một dự án. Ông Hiệp đề nghị thành phố cần quy định lịch thanh tra theo nguyên tắc một lần/ một năm chứ không thanh tra tùy tiện.
Trong một báo cáo gửi về VCCI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Vũng Tàu cũng cho biết, mặc dù Chính phủ cũng như các địa phương đã thực hiện triệt để chương trình cải cách thủ tục hành chính nhưng một thực trạng hiện nay đó là có quá nhiều văn bản luật cũng như hướng dẫn, cán bộ tiếp nhận và thực thi hiểu theo nhiều hướng khác nhau dẫn đến việc hướng dẫn doanh nghiệp không đúng, không rõ ràng.
Đặc biệt là việc áp dụng và hướng dẫn doanh nghiệp tại các sở, ngành còn chậm và chưa thống nhất. Một số văn bản hướng dẫn về điều kiện kinh doanh được các sở ngành ban hành một cách hết sức tỉ mỉ, chi tiết, tuy nhiên lại phát sinh rất nhiều quy định thừa.
“Vì thế cần có sự xem xét, rà soát lại để tránh tình trạng cồng kềnh trong cải cách, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp”, VCCI chi nhánh Vũng Tàu kiến nghị.
Báo cáo này cũng cho biết, tiến độ xem xét và giải quyết hồ sơ dự án của doanh nghiệp và nhà đầu tư quá chậm. Có những dự án vướng mắc giấy tờ, thủ tục kéo dài đến 10 năm vẫn chưa giải quyết xong gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép xây dựng cho các dự án đầu tư hiện nay gặp phải tình trạng quá tải, vì vậy nhà đầu tư các doanh nghiệp phải chờ đợi quá lâu.
Ngoài ra nhà đầu tư còn gặp nhiều trường hợp là được thẩm định tại những tổ chức thẩm định tư nhân với mức giá quá cao, mặc dù nhà đầu tư muốn được giải quyết nhanh chóng nên đồng ý với dịch vụ này.
"Tuy nhiên nếu tình trạng này không được các cấp, ngành xem xét tìm hướng giải quyết triệt để thì chắc chắn sẽ sớm xảy ra lợi ích nhóm", VCCI chi nhánh Vũng Tàu nhận định.
Nguyễn Khánh