Chột dạ vụ cháy Carina, cư dân gay gắt "đấu" với các chủ đầu tư về phòng cháy
- Thứ hai - 02/04/2018 05:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Muôn chuyện PCCC
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong đó, vụ cháy thương tâm cướp đi nhiều sinh mạng ở chung cư Carina Plaza (quận 8, TP.HCM) hôm 23/3 vừa qua như một hồi chuông báo động cảnh tỉnh thực trạng bất cập trong phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở nhiều nơi hiện nay.
Một sự việc hi hữu mới đây xảy ra tại khu chung cư cao cấp Tràng An Complex (số 1 Phùng Chí Kiên, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) do Công ty TNHH Toàn cầu Tràng An làm chủ đầu tư, đó là người dân biết tin cháy chung cư qua… Facebook.
Theo phản ánh, khi đám cháy xảy ra hầu hết mọi người trong tòa nhà đều không ai hay biết bởi chuông báo cháy không kêu, không hề có còi báo động hay loa phát thanh trong khu chung cư phát đi nội dung báo cháy.
Việc hệ thống báo cháy không hoạt động khi có cháy cũng vừa xảy ra ở khu đô thị Văn Khê (Hà Đông) khiến nhiều cư dân hốt hoảng. Vào sáng 25/3, một căn hộ ở tầng 21 ở chung cư CT5A thuộc khu đô thị này bốc cháy. Nguyên nhân ban đầu được xác nhận là do chập điện, lửa bén gây ra cháy rèm. Khói đen bốc lên khiến người dân hoảng sợ chạy khỏi tòa nhà.
Điểm đáng nói là theo người dân sống tại chung cư CT5A khu đô thị Văn Khê cho biết, hệ thống báo cháy của tòa nhà này không hoạt động khi sự cố xảy ra. Chỉ đến khi nghe thấy tiếng còi xe cứu hỏa rú, ngó ra cửa sổ thấy người dân vây kín nhà mình, đoán chung cư cháy nên mọi người mới hô hoán nhau bỏ chạy.
Trong khi đó, một việc cũng “khó hiểu” không kém khác ở tòa nhà chung cư 57 Vũ Trọng Phụng, đó là lối thoát hiểm tại tòa nhà bị bịt lại.
Một số cư dân bức xúc cho biết, toà nhà có tất cả 3 lối thoát hiểm, nhưng mới đây thấy một lối thoát hiểm bị bịt lại. Việc tự ý bịt lối thoát hiểm như vậy khiến nhiều người lo lắng bởi nếu xảy ra vấn đề về cháy nổ thì sẽ rất nguy hiểm.
Sợ thành thảm họa “Carina” thứ 2, hôm 29/3 vừa qua, rất đông người dân sinh sống tại chung cư Hei Tower (đường Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tập trung dưới đường, cầm băng rôn khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư ngừng kinh doanh nhà hàng Trill Group trên đỉnh tòa nhà vì an toàn cháy nổ.
Không chỉ tồn tại bất cập như một cửa thoát hiểm bị chặn để phục vụ cho hoạt động của quán café trên tầng mái, các cư dân Hei Tower ở đây còn phản ánh hệ thống báo cháy hỏng, tủ báo cháy trung tâm đặt ở chế độ không hoạt động… Dù cư dân nhiều lần ý kiến nhưng chủ đầu tư và ban quản lý không giải quyết.
Còn tại chung cư AZ Sky (khu đô thị Định Công-Hà Nội), người dân ở đây cũng thắc thỏm sống trong lo âu khi qua vụ cháy chung cư Carina, họ bất chợt phát hiện nhiều vấn đề không an toàn tại tòa nhà này. Cụ thể, cư dân ở đây phát hiện có chỗ, thang thoát hiểm không tự đóng lại được, có tầng còn chèn gạch kê mở cửa. "Nguy hiểm và nực cười hơn, có tầng, cửa thoát hiểm còn được ai đó khóa xích lại. Không hiểu, như thế khi xảy ra cháy thì dân chạy đi đâu?", anh Q.B, một cư dân chung cư này phản ánh.
Sống ở chung cư và “quyền được an toàn”
Có thể thấy một điều, sau thảm họa Carina, cư dân sống ở nhiều chung cư đã đấu tranh mạnh mẽ, gay gắt hơn với với chủ đầu tư trong vấn đề PCCC, vấn đề mà bấy lâu này, dường như bị “lơ là” ở nhiều nơi.
Theo đó, liên tiếp trong nhiều ngày qua, cư dân ở nhiều chung cư đã căng băng rôn phản đối chủ đầu tư liên quan tình trạng an toàn phòng cháy chữa cháy của tòa nhà.
Cửa thoát hiểm ở tòa B, chung cư AZ Sky được khóa lại rất cẩn thận. Đây là một lỗi về phòng cháy chữa cháy rất nghiêm trọng vì khi có hỏa hoạn, người dân không thể thoát hiểm.
Trong khi đó, nhiều người đã bắt đầu hoang mang, lo lắng và xuất hiện tâm lý “sợ” mua chung cư do sợ mất an toàn. Nhiều vụ việc ở nhiều nơi khiến không ít người đã mất niềm tin vào chủ đầu tư các dự án chung cư. Tuy nhiên, vì vấn đề tài chính nên không phải ai cũng thể lựa chọn được những loại hình bất động sản mình “ưng ý” nhất.
Một chuyên gia đưa ra lời khuyên, thay vì lo lắng, sợ sệt, trước khi bỏ tiền mua căn hộ chung cư, điều đầu tiên khách hàng phải cân nhắc không phải là những lời rao về tiện nghi như gạch ốp, thiết bị vệ sinh hiện đại… mà đó quyền cơ bản nhất - quyền được an toàn.
Thực tế, việc vận hành và bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy là tốn kém nên đơn vị quản lý tòa nhà thường ít khi quan tâm và đầu tư đúng mức. Thậm chí nhiều chủ đầu tư cho rằng, toàn bộ hệ thống ấy cả năm có khi chẳng dùng đến nên chủ quan.
Nhiều nơi, bình chữa cháy có nhưng không sử dụng được do bị rỉ sét, bình hết CO2, bình bị khóa chặt do sợ trộm cắp. Hệ thống cảm ứng khói tự động bị tắt vì chất lượng kém, thi công lắp đặt không đạt yêu cầu kỹ thuật nên hoặc không phát hiện được cháy. Thậm chí có nơi do thường xuyên xảy ra báo cháy giả, dẫn đến việc người trực "tắt đi cho khỏi bị phiền".
Vụ việc ở Carina Plaza thực sự là một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả người ở, chủ đầu tư lẫn cấp quản lý nhà nước trong việc đảm bảo an toàn PCCC.
Nguyễn Khánh