Chống thực phẩm bẩn: Nhiều bộ cùng quản lý, "nhiệm vụ bất khả thi"
- Thứ bảy - 24/09/2016 13:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Làm thế nào để trả lại sự trong sạch cho thị trường thực phẩm để người nông dân, doanh nghiệp lẫn người dùng đều không bị ảnh hưởng?
Cuộc chiến không cân sức
Theo thống kê từ Bộ Y tế, năm 2015, toàn quốc có 171 vụ ngộ độc TP với 4.965 người mắc và 23 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, khiến hơn 1.386 người bị ngộ độc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Riêng tháng 4/2016 đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 375 người bị ngộ độc.
Tại TP.HCM, theo Chi cục VSATTP TP.HCM, chỉ trong 4 tháng đầu 2016, đã có 5 vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến 248 người, bằng với cả năm 2014 và gần bằng với số người mắc trong năm 2015 là 268 người tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Duy Đức, Phân viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau quy hoạch cho biết: “Hầu hết, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm đều do vi sinh vật, chiếm tỷ lệ cao nhất lên đến 52%, chiếm tỷ lệ 3/5 vụ xảy ra trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân còn lại là do thực phẩm bị biến chất, hóa chất tồn dư trong thực phẩm… “.
Theo ông Đức, các thực phẩm không an toàn thường gặp hiện nay là: rau, củ, quả, do quá dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng; hải sản, mật ong (do dư lượng kháng sinh); cà phê, điều, lạc (độc tố, nấm mốc); thịt (chất tăng trưởng, tạo nạc cấm sử dụng…).
Tình hình đáng ngại như thế nhưng thực tế quản lý về vấn đề này, theo ông Đức hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, vấn đề an toàn thực phẩm do 5 bộ cùng quản lý, bao gồm: Bộ y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Quốc phòng. Sự chồng chéo trong nhiệm vụ khiến việc xử lý, ngăn chặn thực phẩm bẩn trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”.
“Hiện mới chỉ có TP.HCM là quyết liệt trong việc chống thực phẩm bẩn, thành lập ban an toàn thực phẩm ở TP.HCM để thực thi nhiệm vụ này. Các địa phương khác thì vấn đề quản lý vẫn còn nhiêu khuê, chồng chéo”, ông Đức nhận xét.
Mối nguy hại không ở trong một lãnh thổ
Có mặt tại Diễn đàn Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp chủ đề “An toàn thực phẩm - Câu hỏi về sự phối hợp và tin tưởng lẫn nhau” tổ chức tại TP.HCM mới đây, rất nhiều chuyên gia cho biết, việc chống thực phẩm bẩn là một quy trình kéo dài, không chỉ từ người nuôi trồng hay kinh doanh mà là từ khâu chọn giống, hạt… cũng như sau thu hoạch, cung cấp ra thị trường.
“Hiện nay, thị trường rất nhiều sản phẩm được sản xuất, trồng ở các quốc gia khác nhau nên vấn đề chống thực phẩm bẩn mở rộng ra khỏi biên giới”, bà Hoàng Mai Vân Anh, Đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) cho biết.
Theo kết quả khảo sát của UNIDO, ngoài những nguyên nhân chủ quan, do chính người nuôi, trồng, cung cấp… thì nguyên nhân gây nên mất an toàn thực phẩm của Việt Nam còn đến từ khách quan, từ khâu thu hoạch, vận chuyển.
Khảo sát từ Sơn La, địa phương cung cấp rau quả chính cho thị trường Hà Nội cho thấy, tỷ lệ thiệt hại sau thu hoạch cao. Cụ thể, rau ăn lá thiệt hại 30-40%, Cây ăn quả là 20-30%.
Để chuyển rau quả về Hà Nội, người vận chuyển cố gắng nhét vào đủ xe, tỷ lệ tổn thất sau vận chuyển rất cao. Điều này khiến cho nông sản bị dập, hỏng, khiến giá thành bị đội lên, phía người bán thì phải có những tính toán khác để không ảnh hưởng đến doanh thu.
Bà Mai đánh giá: “Thực sự, có quá nhiều điểm yếu trong hệ thống thực phẩm quốc gia”.
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ở Việt Nam ngày càng tăng. Tổ chức Giám sát kinh doanh Quốc tế (BMI) dự báo, tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2016 tăng 5,1%/năm, tương đương 29,5 tỷ USD. Không dừng lại ở đó, doanh số bán hàng thực phẩm tăng 10,2% trong năm 2016. Mức tăng trưởng hàng năm cho giai đoạn 2015‐2020 là 10,9%.
Nguyên nhân là vì khả năng chi trả tốt hơn và hệ thống bán lẻ phát triển hơn. Tuy nhiên, theo bà Loan, nhu cầu người dùng hiện nay không chỉ ăn ngon mặc đẹp mà bây giờ là ăn an toàn, xanh sạch, tiêu dùng bền vững.
“Để giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn, phải liên kết các tổ chức trong hệ thống. Không chỉ đợi cơ quan chức năng, người bán lẻ phải liên kết với nhà cung ứng để đảm bảo ATTP. Nhà bán lẻ phải trực tiếp là người kiểm tra, giám sát”, bà Loan nói.
Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi các đơn vị có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ, ở phía người dùng, vẫn rất khó nhận biết đâu là sản phẩm an toàn hay không. Khi không thể tẩy chay và trong điều kiện không đủ điều kiện mua sản phẩm an toàn, người tiêu dùng phải làm gì là câu hỏi rất lớn đang chờ giải đáp. Bởi, “quyền tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền của tất cả mọi người, ngay từ thức ăn vặt đến bữa chính hằng ngày. Không phải quyền của riêng người có thu nhập tốt”, ông Florian Beranek, chuyên gia cao cấp về trách nhiệm xã hội Unido khẳng định.
Phương Quyên