Cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn: Không thể đòi hỏi như cho "đại gia" vay
- Thứ năm - 20/10/2016 06:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chiếm tỷ lệ 97% trong tổng số doanh nghiệp (DN). Họ được xác định là “động lực tăng trưởng”, “xương sống” của nền kinh tế vì sử dụng 50% lao động và góp hơn 40% GDP.
Tuy nhiên, đây là khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường.
Tính trung bình trong giai đoạn 2005 - 2013, tỷ lệ giữa các DN thực sự đi vào hoạt động và duy trì hoạt động so với số DN đăng ký chỉ đạt 45%. Cá biệt, có những năm tỷ lệ giữa DN đi vào hoạt động so với DN đăng ký trong năm đạt tỷ lệ rất thấp, ví dụ như năm 2009 tỷ lệ này chỉ đạt 35,2% hoặc năm 2012 đạt 32.7%.
"Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2005 - 2008 cho thấy, sự cần thiết phải có các hoạt động hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng và hỗ trợ các DN này. Việc này đã trở thành một yêu cầu hết sức cấp thiết tại Việt Nam", Cục Phát triển DN đánh giá.
Chính vì thế, theo Bộ KH&ĐT, việc ban hành luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết, vì nhiều quốc gia trên thế giới đã làm và làm sao để nâng dần tiềm lực của khu vực này lên để quy mô ngày càng lớn.
Đánh giá về vấn đề này, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, xây dựng Luật là cần thiết nhưng đáp ứng nhu cầu của DN hay chưa thì cần phải bàn.
"Chúng tôi đã làm nghiên cứu, hiện DN nhỏ và vừa tại Việt Nam có 80% là siêu nhỏ, còn lại là vừa. 9 tháng đầu năm, số DN thành lập mới có số vốn chỉ 7,5 tỷ đồng/DN, điều này chứng tỏ tiềm lực tài chính DN rất yếu, khó khăn. Nghiên cứu từ năm 2005 - 2014, chúng tôi thấy tiềm lực của khu vực DN nhỏ ngày càng yếu. Vì sao? Vì chúng ta không nắm được đâu là điểm nghẽn, nên không định hướng, nâng đỡ họ lên", ông Mại nêu.
Theo vị chuyên gia này, các DN nhỏ đang rất khó khăn, thiếu vốn, thiếu mặt bằng nhà xưởng… nếu ta không giải được bài toán từ tín dụng ngân hàng, thuế thì khu vực này không lớn được.
"Không đâu như Việt Nam, DN nhỏ và vừa không được thế chấp vay vốn tín dụng bằng bất động sản và các tài sản hình thành trên đất đai. Đây là điều khiến các DN nhỏ không lớn lên được", GS Mại nói.
Phản đối bình luận của GS Mại, bà Đặng Thị Điểm - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Bản thân ngân hàng cũng là DN, cũng phải có cách để giảm rủi ro và có quy định riêng.
"Về quan điểm thế chấp bất động sản cho vay vốn là ngân hàng phải có quyền xem xét cho vay làm sao bảo toàn vốn. Không tổ chức cá nhân nào can thiệp đến hoạt động của các tổ chức tín dụng nên nhận loại tài sản thế chấp nào là quyền của ngân hàng", bà Điểm nói.
Tuy nhiên, GS Mại khẳng định: Ngân hàng ngoài chức năng của mình còn cần phải chia sẻ rủi ro với DN từng năm một. DN làm ăn thì có năm rủi ro năm lợi nhuận lớn. Về thế chấp, theo kinh nghiệm quốc tế họ đã làm và đó không phải vi phạm quyền tự chủ của các tổ chức tín dụng.
Vấn đề vốn và tín dụng cho các DN nhỏ dường như đốt nóng nghị trường, bởi các ý kiến đều xoáy vào trách nhiệm của các ngân hàng khi không cho DN vay vốn bằng các tài sản thế chấp từ bất động sản và tài sản hình thành trên bất động sản.
Thứ trưởng Đông cho rằng: "Chúng tôi không bắt ngân hàng làm bằng mọi giá nhưng phải có trách nhiệm phê duyệt hồ sơ cho vay DN nhỏ và vừa, không thể giống cho đại gia nghìn tỷ".
"Chúng tôi từ khi đưa ra dự thảo Luật này đã yêu cầu các ngân hàng thương mại dành tối thiểu 30% vốn cho các DN nhỏ và vừa. Nhưng sau đó, có tranh luận nên rút lại, chỉ khuyến khích. Tuy nhiên, anh có đặc quyền thì cũng phải có trách nhiệm cung ứng vốn cho các DN", ông Đông cho biết.
Theo ông Đông: Nếu không hỗ trợ DN nhỏ và vừa, để họ bứt lên thì không tăng được tầng lớp trung lưu… đây là hướng phấn đấu của mọi nền kinh tế hướng đến để không còn những tỷ phú cá nhân giàu lên từ quan hệ gây ra sự bất công cho nền kinh tế.
Dự kiến, dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày 20/10/2016. Theo kỳ vọng của Bộ KH&ĐT, Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ có tác động tích cực tới mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp đang thực sự hoạt động vào năm 2020.
Ở nhiều quốc gia, DNNVV chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (từ 97-99%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Các nước đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên minh châu Âu (EU)… và các nước đang phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… đều coi trọng vai trò của khu vực DNNVV. Nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đã có Luật này như Nhật Bản từ 1963, Indonesia năm 1995 và Hoa Kỳ năm 1953…
Nguyễn Tuyền