Chỉ khởi công chung cư khi có 50 - 60% khách đặt cọc?!
- Thứ hai - 17/10/2016 10:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời gia qua, thị trường bất động sản TPHCM đã gặp không ít rủi ro khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin vào chủ đầu tư. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, để khôi phục niềm tin của thị trường, các chủ đầu tư cần phải tuân thủ pháp luật, liên kết chặt chẽ với ngân hàng để kiểm soát và hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
Bài học từ... 6B, HQC Plaza
Thời gian qua, rất nhiều cư dân sống tại chung cư The Easter City (còn gọi là chung cư 6B, đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh, TPHCM) do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư, liên tục phàn nàn, “tố” căn hộ ở đây chất lượng “dỏm”. Một cư dân cho biết, mới vào ở được 1 tháng, người này đã phát hiện gạch lót nền có dấu hiệu bong tróc. Bên cạnh đó, nhiều vách tường cũng xuất hiện các vết nứt, nhiều chỗ bê tông bong tróc. Ngoài ra, trần nhà và tường cũng bị thấm nước ố vàng, nhiều nơi còn có nước đang rỉ ra.
Không chỉ ở chung cư The Easter mà nhiều cư dân ở chung cư HQC Plaza (đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TPHCM) do Công ty CP TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư, vẫn còn bị ám ảnh bởi vụ cháy tầng 11 bolck 4 chung cư này vào ngày 16/7. Hỏi ra mới biết, mặc dù chung cư chưa hoàn thiện nhưng chủ đầu tư vẫn đưa 80 hộ dân này vào ở.
Chính sự “cẩu thả” như thế của chủ đầu tư đã khiến rất nhiều người dân mất niềm tin vào các dự án nhà ở xã hội. Thậm chí, một số người còn nghi rằng, hệ thống pháp luật chưa chặt chẽ hoặc không đầy đủ nên chủ đầu tư mới có thể “ung dung” đưa dân vào ở trong khi dự án chưa được nghiệm thu toàn diện.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, pháp luật đã quy định cơ chế, chính sách bắt buộc chủ đầu tư phải thực hiện nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng, nghiệm thu công trình phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật... trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai, trước khi bàn giao nhà ở cho khách hàng. Do vậy, người dân nghi ngờ hệ thống pháp luật lỏng lẻo là chưa hợp lý. Bởi lẽ, trước khi xảy ra nhiều sự cố ở các chung cư, pháp luật đã có qui định cụ thể như trên để bảo vệ người tiêu dùng.
Theo ông Châu, cùng với việc thực thi pháp luật, nhiều doanh nghiệp bất động sản còn tự giác đề xuất những giải pháp mới để đảm bảo tối ưu quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên việc một số chủ đầu tư “qua mặt” luật pháp có thể do một số nguyên nhân hi hữu nào đó. Điển hình như, sau vụ cháy ở chung cư HQC Plaza, chủ đầu tư dự án này cũng đã lí giải, do một số hộ dân khó khăn về nhà ở và đề nghị vào ở trước nên họ mới thực hiện theo yêu cầu của khách hàng. Rõ ràng, chủ đầu tư cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng của mình hết mức có thể.
“Việc thương lượng để hỗ trợ nhau giữa chủ đầu tư và khách hàng là tốt, nên làm. Mặc dù vậy, để hợp tác lâu dài, tôi nghĩ cả người mua và người bán nên tuân thủ pháp luật. Chỉ có tuân thủ pháp luật thì quyền lợi của các bên mới được đảm bảo tuyệt đối. Quan trọng nhất, tuân thủ pháp luật sẽ giúp các doanh nghiệp phần nào hạn chế được những rủi ro trong kinh doanh bất động sản”, chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh nói.
Bài học từ Singapore, Australia
Vừa qua, HoREA đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại xây dựng "Quy chế hoạt động nội bộ ngân hàng". Theo đó, quy chế này phải được xây dựng dựa theo hướng khuyến khích chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn, nhà cung cấp vật tư, thiết bị, khách hàng đều mở tài khoản giao dịch tại cùng ngân hàng.
HoREA cho rằng, việc NHNN chỉ đạo thực hiện như thế sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giám sát dòng tiền được sử dụng đúng mục đích. Không chỉ vậy, điều đó còn giúp cho chủ đầu tư và các bên liên quan sử dụng vốn tín dụng hiệu quả, tiết kiệm và giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.
Theo phân tích của giới chuyên môn, khi ngân hàng tham gia giám sát các dòng tiền nói trên thì việc hạn chế rủi ro trong kinh doanh bất động sản sẽ đạt được hiệu quả cao. Bởi lẽ, lúc này ngân hàng đóng vai trò là “trọng tài thương mại”, minh chứng và giám sát hoạt động mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng. Do đó, các bên sẽ không thể “bỏ chạy” hoặc trốn tránh trách nhiệm.
Mặt khác, ông Lê Hoàng Châu cũng nhận định, để ngành bất động sản tại TPHCM phát triển lành mạnh và bền vững, cả chính quyền và các doanh nghiệp nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước có nền kinh tế phát triển như Singapore, Australia… Trong đó, các cơ quan chức năng chỉ cho phép chủ đầu tư được khởi công dự án khi đã có từ 50-60% khách hàng đặt mua sản phẩm.
“Kinh nghiệm của các nước như Singapore, Australia... chỉ cho phép chủ đầu tư được khởi công dự án khi đã có từ 50-60% khách hàng đặt mua sản phẩm. Số tiền khách hàng đặt cọc, hoặc thanh toán cho chủ đầu tư cho đến lúc được giao nhà, được đưa vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng mà chủ đầu tư không được sử dụng. Tuy nhiên, trên cơ sở đó, ngân hàng cho chủ đầu tư vay để phát triển dự án, xây dựng công trình. Đồng thời, ngân hàng giám sát chặt chẽ dòng tiền cho vay được chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích. Nếu làm như vậy thì thị trường bất động sản mới có điều kiện để phát triển lành mạnh và bền vững hơn”, ông Châu nói.
Công Quang