Cần hay bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu?
- Thứ ba - 13/06/2017 17:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết theo Nghị định 83 về quản lý xăng dầu, mục đích của Quỹ BOG là để trích phòng khi có sự tăng giá đột ngột trên thị trường thế giới nhằm tránh được những cú sốc cho người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN).
Bỏ hay giữ phụ thuộc chính sách điều hành!
Khẳng định Quỹ BOG không phải tiền của nhà nước hay bất cứ DN nào, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận trong thời gian qua, với sự phối hợp của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trong điều hành quỹ này, hiệu quả đã được thể hiện rất tốt, nhất là trong các dịp "nhạy cảm" như trước và sau Tết, các kỳ nghỉ lễ…
"Hiện nay, Quỹ BOG sẽ tiếp tục được xem xét và bản thân tôi cũng không muốn có quỹ này nữa. Nhưng trong thời điểm này, tôi thấy cần theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị định 83. Với tác dụng của nó, việc giữ quỹ trong thời điểm hiện nay là phù hợp" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng vấn đề quan trọng liên quan đến Quỹ BOG là công tác điều hành giá nói chung. Theo đó, nếu nhìn nhận ở góc độ điều hành giá hoàn toàn theo nhịp điệu thị trường thì đương nhiên quỹ này không còn cần thiết. Khi đó, giá thế giới tăng thì trong nước tăng theo, giảm thì trong nước giảm theo.
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu do người tiêu dùng đóng góp nhưng họ không được tham gia quản lý Ảnh: Tấn Thạnh
Còn nếu việc điều hành giá phục vụ cho các vấn đề vĩ mô như ổn định kinh tế, tránh tăng giá sốc thì việc sử dụng quỹ vẫn là cấp thiết. "DN cũng tuân thủ theo điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về giá cũng như sử dụng quỹ" - lãnh đạo Petrolimex khẳng định.
Ở khía cạnh minh bạch trong sử dụng quỹ, lãnh đạo Petrolimex cho hay DN thực hiện theo đúng quy định của Nghị định 83 là quỹ không ở DN mà để tại ngân hàng. Tất cả biến động liên quan đến số dư quỹ sẽ được hệ thống ngân hàng báo về đồng thời cả 2 nơi là DN và cơ quan quản lý. Phần lãi thu được sẽ bổ sung cho Quỹ BOG.
Đồng tình với việc vẫn cần giữ quỹ này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nhìn nhận có thể cải tiến trích lập quỹ theo hướng không nên lúc nào cũng trích quỹ cố định kể cả khi giá xăng dầu tăng hay giảm bởi việc này khiến người tiêu dùng cảm thấy không ổn. Cùng đó, DN cũng nên có vai trò trong tham gia bình ổn thị trường bằng việc góp sức cùng với người tiêu dùng thông qua chia sẻ phần lợi nhuận kinh doanh. "Việc bình ổn này được coi như bình ổn những mặt hàng bình thường khác, tạo ra kết nối bền chặt giữa người mua và người bán. Liên kết này càng bền chặt thì DN càng phát triển" - ông Thỏa đề xuất.
Nhà nước can thiệp quá sâu
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận xét nhà nước đã can thiệp quá sâu vào thị trường, giá cả xăng dầu. Từ đó dẫn tới giá xăng dầu không theo kịp diễn biến thị trường thế giới.
Do vậy, hiệu lực và hiệu quả của giá cơ sở và Quỹ BOG cần được xem xét một cách cầu thị từ thực tế. "Thị trường xăng dầu hiện nay thiếu tính cạnh tranh. Tôi cho rằng cần xem xét cho phép có giá xăng dầu cạnh tranh trong một biên độ nhất định, tránh tình trạng tất cả tổng công ty, tổng đại lý, các cửa hàng đều có giá bán như nhau. Điều này không thể thúc đẩy cạnh tranh. Nếu thị trường không cạnh tranh bằng giá thì cạnh tranh bằng cái gì? Cách quản lý Quỹ BOG cần phải thay đổi. Tiền của dân góp vào, tuy nhiên, quản lý quỹ đó lại không có người dân. Nên có đại diện người tiêu dùng, hiệp hội hay không trong quản lý Quỹ BOG?" - ông Doanh nêu ý kiến.
Ở góc độ công bằng giữa các DN, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đánh giá Quỹ BOG chỉ phù hợp với DN có nguồn nhập khẩu lớn, lượng bán ra nhiều. Còn những DN quy mô nhỏ, doanh số bán hàng không lớn thì chắc chắn quỹ sẽ bị âm, thậm chí phải dùng vốn vay ngân hàng để "xả" vào giá bán lẻ. "Đây chính là những vướng mắc khi thực hiện Nghị định 83 về quản lý giá xăng dầu. Vì vậy, giá cơ sở điều chỉnh tăng dưới 3% thì không nên áp dụng quỹ BOG mà nên để người tiêu dùng tiếp cận thị trường. Nếu tăng từ 3%-7% thì mới nên sử dụng" - ông Ruệ nói.
Không ai muốn người khác giữ tiền thay PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội), cho rằng Quỹ BOG gây ra tình trạng điều hành giá xăng chưa thỏa đáng với người tiêu dùng. Không một ai muốn mua hàng giá cao dưới hình thức bỏ tiền cho người khác giữ trong khi rất khó kiểm soát được đồng tiền của mình được sử dụng ra sao. Một chuyên gia khác kiến nghị cần cẩn trọng trong quản lý; nếu không, các DN có thể "lợi dụng" Quỹ BOG. Tốt nhất, cần có sự vào cuộc của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. |