Cận cảnh bộ bàn ghế gỗ nu được rao bán hơn 1 tỷ đồng tại Hà Nội
- Thứ bảy - 27/08/2016 23:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo chia sẻ của chủ nhân bộ bàn ghế, để biến những gốc nu xu xì này, 4 nghệ nhân điêu khắc gỗ phải mất 1 năm ròng để pha chế các mảng nu từ một hoặc nhiều loại gỗ quý hiếm như lim, táu... để kết nối với thân nu lớn. Ngoài ra, công đoạn chế tác cũng được tiến hành cả năm trời.
"Nu là các bướu to của một số loại cây gỗ quý hiếm. Bướu phát triển khi cây gỗ bị thương tật như sâu bệnh, sét đánh, chặt chém., làm xây xước thân cây… lúc đó cây sẽ sinh ra chất dinh dưỡng đồn tích để nuôi dưỡng phần bị thương tật ấy lành trở lại.
"Thường bướu có đường kính to hơn đường kính thân cây chủ. Thực tế là tỷ lệ thành bướu rất thấp, có khi hàng trăm cây mới được một cây có nu, quá trình hình thành bướu tạo ra như trầm hương trên thân cây đó", chủ nhân của bộ gỗ nu tiền tỷ chia sẻ.
Theo chủ nhân của bộ bàn ghế gỗ nu quý hiếm, được chế tác từ 10 gốc nu, nụm nu. Riêng bức phù điêu phong cảnh tự nhiên được làm từ gốc 1 loại gỗ quý trong rừng, có rất nhiều nu đẹp. Giới làm đồ gỗ gọi loại gỗ này là gỗ nu nghiến.
Một nghệ nhân cho hay, quá trình điêu tác, chạm khắc gốc gỗ quý mất rất nhiều thời gian bởi gỗ quý có nhiều nu, mỗi nu có một thế khó tạo thành điểm liên kết. Bên cạnh đó, các nu thường có vân, xoáy rất đặc biệt từ nhiều vết thương của gỗ và nhiều nhựa cây nên cực kỳ rắn, chắc. Quá trình chế tạo, nhiều mũi đục, tiện đã bị gẫy.
Để chuyên chở được khối gỗ này, nghệ nhân Thái Bình phải dùng riêng 1 xe tải 12 tấn. Ngoài mức giá siêu đắt, theo nghệ nhân bộ bàn ghế và kệ, phù điêu này cần không gian trưng bày lớn hàng trăm m2 và chỉ có đại gia mới đủ mức tiền để mua.
Gốc gỗ quý, có rất nhiều nu xù xì quý hiếm. Chủ nhân cho biết bộ bàn ghế gỗ nu này có một không hai tại Việt Nam
Theo chia sẻ của nghệ nhân, do cách hình thành đặc biệt nên vân gỗ nu không theo một sự sắp xếp cố định, vân xoắn ngẫu nhiên tạo những hình thù vền vện, không có tim gỗ do đó rất khó chế tác. Nếu không phải các thợ cao tay thì không ai dám nhận làm vì có thể vỡ, hỏng chi tiết.
Ngoài ra, gỗ nu tuy cứng nhưng nếu chế tác không khéo có thể gây nứt vỡ và xuống màu sau một thời gian sử dụng. Do đó mà gỗ phải được áp dụng “phơi sương” bằng cách tối đem phơi sương, sáng mang vào mát trong nhiều tháng liền giúp hơi nước thoát chậm tự nhiên và làm cho các vân gỗ khít lại không bị tách hay nứt gãy.
Trong giới chơi đồ gỗ, người sành chơi quan niệm gỗ làm từ các nu thường thể hiện sức sống kiên cường, dẻo dai của các loại gỗ quý, vì thế nó mang đến sự may mắn, tài lộc và thịnh vượng cho gia chủ. Thể hiện đẳng cấp của đại gia.
Ngoài thị trường các nu thường được chế tác tượng vĩ nhân, phật Di Lặc, tượng phật bà Quan Thế âm Bồ tát, Quan Vân Trường.... còn các loại đồ thông thường chủ yếu là cặp lục bình gỗ nu với chạm khắc tinh xảo ….để thể hiện đẳng cấp chơi gỗ của mình.
Nguyễn Tuyền