Các nhà máy thủy điện sẽ phải trả thêm 16 đồng/kWh để bảo vệ rừng
- Thứ hai - 24/10/2016 07:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả kiểm tra, rà soát về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện và các chính sách liên quan.
Theo báo cáo, từ năm 2010, thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR, các chủ đầu tư các nhà máy thủy điện đã phải trả 20 đồng/kWh điện thương phẩm làm nguồn tài chính để quản lý, bảo vệ tốt hơn 5,78 triệu ha rừng thuộc phạm vi các công trình thủy điện.
Tuy nhiên, do những năm qua, giá điện đã tăng song tiền chi cho DVMTR không đổi. Chính vì thế, để đảm bảo tính khách quan, công bằng và phù hợp với tình hình biến động giá hiện nay, Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định nêu trên và nhất trí quan điểm: giữ nguyên tỷ trọng tiền DVMTR trong giá điện và điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR theo tỷ lệ tăng giá điện tương ứng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: "Ngày 22 tháng 9 năm 2015, Bộ NN&PTNT đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99 của Chính phủ" và "Một trong những nội dung thay đổi lần này là điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR của các cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kWh lên 36 đồng/kWh".
Theo ông Tuấn Anh, dự kiến việc điều chỉnh này sẽ tăng nguồn thu tiền DVMTR từ khoảng 1.000 tỷ đồng/năm như hiện nay lên khoảng 1.800 tỷ đồng/năm. Đây sẽ là nguồn tài chính quan trọng để quản lý, bảo vệ tốt hơn 5,78 triệu ha rừng ở các công trình thủy điện thượng lưu và hạ lưu.
Số liệu thống kê của Văn phòng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến năm 2015, nguồn thu phí DVMTR từ các nhà máy thủy điện cả nước là 4.564 tỷ đồng (trong đó, thu qua Quỹ Trung ương là 3.531 tỷ đồng, còn lại là thu qua Quỹ tỉnh). Từ đầu năm 2016 Quỹ trên đã thu được trên 779,5 tỷ đồng.
Về phân bổ vốn, số tiền DVMTR sẽ được chi trả thông qua nhiều kênh khác nhau nhằm phục vụ phí bảo vệ môi trường rừng, trong đó có việc trả tiền cho các chủ rừng, lâm trường và người dân có cam kết trồng rừng thay thế, trồng rừng chống sói mòn đất cát và các hoạt động nạo vét lòng sông, hồ...
Hiện, theo đơn giá chi trả bình quân trên 1 ha rừng sẽ tăng từ 170.000 đồng/ha lên khoảng 310.000 đồng/ha, tăng thu nhập của các hộ tham gia bảo vệ rừng từ 1,8 triệu đồng/hộ/năm lên khoảng 3,2 triệu đồng/hộ/năm.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện mức thu nhập từ chi trả DVMTR bình quân hàng năm trong cả nước của các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng khoảng 1,8 triệu đồng/hộ/năm. Nếu số tiền phí chi trả cho DVMTR tăng lên 36 đồng/kWh, mức thu nhập của hộ trồng rừng khoán lên khoảng 3,2 triệu đồng/hộ/năm.
Trên thực tế, ở một số địa phương, mức thu nhập của những hộ dân này đã cao như: Lâm Đồng (trên 10 triệu đồng/hộ/năm), Bình Phước (7,2 triệu đồng/hộ/năm), Kon Tum (trên 5,7 triệu đồng/hộ/năm), Đắk Lắk (trên 3,4 triệu đồng/hộ/năm), Hòa Bình (3,8 triệu đồng/hộ/năm), Lai Châu (2,4 triệu đồng/hộ/năm),...
Theo Bộ Công Thương, việc tăng chi trả phí DVMTR là điều kiện để giúp tăng nguồn chi cho công tác bảo vệ rừng, người trồng rừng cam kết bảo vệ nhà máy điện. Đồng thời đây cũng là cách để các nhà máy thủy điện có trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên rừng thượng nguồn.
Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương, mặc dù quy định bắt buộc chi trả tiền DVMTR, tuy nhiên, còn một số chủ đầu tư nhà máy thủy điện nhỏ hiện nay chưa thực hiện việc chi trả đúng quy định, còn nợ đọng với lý do tình hình tài chính còn khó khăn.
"Bộ Công Thương đã gửi văn bản đến 64 đơn vị phát điện còn nợ tiền DVMTR, yêu cầu khẩn trương hoàn thành nghĩa vụ chi trả, nếu không hoàn thành sẽ xem xét thu hồi hoặc chưa cấp Giấy phép hoạt động điện lực", Văn bản Bộ Công Thương chỉ rõ.
Nguyễn Tuyền