Cả triệu người mua thực phẩm chỉ bằng... niềm tin
- Thứ hai - 10/07/2017 10:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mặt hàng nông sản bày bán la liệt tại chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy - Hà Nội).
Chợ nào cũng có thực phẩm không rõ nguồn gốc
Là một trong những chợ đầu mối có tiếng của TP Hà Nội, mỗi ngày chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy – Hà Nội) cung ứng số lượng lớn thực phẩm tươi sống và rau củ quả giá rẻ cho nhiều quán ăn, nhà hàng, và các hộ dân sống quanh khu vực…
Về nguồn gốc thực phẩm, theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, đa phần gà, vịt do các tiểu thương nhập từ chợ Bình Đà, huyện Thanh Oai và một số cơ sở chăn nuôi ở huyện Thường Tín (Hà Nội). Về cá, các tiểu thương mua tại chợ đầu mối Yên Sở (quận Đống Đa) mang đến đây bán.
Đáng lưu ý, với mặt hàng nông sản, đa phần các tiểu thương thu gom từ các hộ nông dân ở ngoại thành. Chính vì việc thu mua nguồn hàng ở nhiều nơi trong khi đó giấy tờ mua bán chủ yếu là “viết tay” nên việc truy xuất nguồn gốc của cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Bảo Anh, Phó Trưởng Ban quản lý (BQL) phụ trách chợ Dịch Vọng Hậu, hiện nay trong chợ có khoảng hơn 100 tiểu thương kinh doanh buôn bán.
“Mỗi buổi sáng, chúng tôi đi kiểm tra giấy tờ hóa đơn nguồn hàng. Đa phần họ xuất trình được nơi lấy hàng, cũng có một số tiểu thương bảo rằng quên không mang và xin hôm sau xuất trình bù. Chúng tôi vẫn chỉ nhắc nhở các tiểu thương nâng cao ý thức ATVSTP chứ xử phạt rất khó”, bà Bảo Anh cho hay.
Trong khi đó, các cán bộ của BQL chợ cũng cho biết, nhiều mặt hàng thực phẩm họ chỉ kiểm tra việc ATVSTP bằng kinh nghiệm và cảm quan do không có các thiết bị hiện đại để phát hiện vi phạm. Đáng lưu ý, nhiều người dân mang rau củ quả tự trồng đến chợ bán nên vấn đề đảm bảo chất lượng vẫn phụ thuộc vào uy tín với khách hàng…
Khu bày bán và giết mổ vịt của chợ tạm La Khê (Hà Đông - Hà Nội). Ảnh: PV
Tại phiên chợ tạm La Khê (Hà Đông) có đến hơn 100 tiểu thương buôn bán (chủ yếu là thịt lợn, gà vịt, cá và rau củ quả). Hỏi chuyện các lái xe ô tô chở gà, vịt đến chợ chúng tôi được biết, chỉ cần xuất trình được giấy tờ mua gia súc, gia cầm ở cơ sở chăn nuôi là hợp pháp, còn việc kiểm dịch thì tùy, thỉnh thoảng mới có cơ quan thú y đến kiểm tra(?!).
Bên trong khu giết mổ gia cầm rộng khoảng 100m2 có đến cả ngàn con gà, vịt nằm la liệt trên sàn chờ “hóa kiếp”. Sau khi cắt tiết và nhúng nước sôi, từng con gà, vịt được ném vào máy vặt lông. Rất nhanh gọn, chỉ vài phút sau hàng loạt gia cầm được ném ra la liệt trên nền xi măng, sau đó mổ nội tạng và xếp vào từng túi để giao cho các hộ buôn bán lẻ.
Trả lời PV, ông Nguyễn Minh Châu, Phó Chủ nhiệm HTX La Khê - đại diện của tổ quản lý chợ tạm La Khê trả lời rằng: “Việc kiểm dịch gia cầm đã có cơ quan thú y của quận Hà Đông còn về mặt hàng thủy sản có Chi cục đo lường của Sở Nông nghiệp (Sở NN&PTNT – PV) kiểm tra”. Ông Châu cũng thừa nhận do chợ đang trong giai đoạn chờ quy hoạch vào mạng lưới buôn bán lẻ TP Hà Nội nên việc quản lý hiện tại chưa được chặt chẽ.
Tại chợ đầu mối Đền Lừ, quận Hoàng Mai, có khá đông hộ kinh doanh vãng lai. Trung bình mỗi ngày chợ tiêu thụ trên 100 tấn rau và hơn 200 tấn gia súc, gia cầm, thủy sản. Do tiền thuê cửa hàng trong chợ cao, nhiều tiểu thương đã chuyển ra vỉa hè, hành lang chợ bán để giảm chi phí.
Về phía người dân, do không có thời gian đi xa và ham rẻ nên vẫn vô tư mua thực phẩm nấu ăn hàng ngày mà không mấy quan tâm đến nguồn gốc hay việc kiểm định ra sao?.
Chủ tịch phường/xã, quận/huyện phải chịu trách nhiệm
Một tiểu thương mua vịt từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và mang ra chợ bày bán không qua kiểm dịch.
Được biết, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã thí điểm các biện pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Điển hình là mô hình truy xuất nguồn gốc thịt lợn (Te-Food) của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sau gần 3 tháng thí điểm tại khoảng 350 điểm thuộc các hệ thống bán lẻ hiện đại, đã mang lại những phản ứng tích cực từ người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ban, ngành có liên quan để đưa truy xuất nguồn gốc đến 240 chợ lẻ trên địa bàn thành phố.
Đáng quan tâm, từ sau ngày 30/7 tới đây, các loại thực phẩm không có nguồn gốc sẽ không được bán ở các chợ đầu mối như chợ Hóc Môn và Bình Điền. TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo phải chấm dứt sớm tình trạng giết mổ lậu, trái phép; tình trạng sản xuất hàng gian, hàng giả. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra thì Chủ tịch, Phó chủ tịch quận, huyện phụ trách phải chịu trách nhiệm.
Tại TP Hà Nội, vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm vẫn khiến cơ quan quản lý gặp lúng túng. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, đơn vị này đang yêu cầu chính quyền địa phương có biện pháp quản lý các hộ kinh doanh vãng lai ở các trục đường xung quanh khu vực chợ.
Về các chợ đầu mối, BQL chợ tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách cụ thể các hộ kinh doanh thường xuyên tại chợ; phân khu riêng biệt cho từng nhóm ngành hàng để bảo đảm ATVSTP; xây dựng biểu mẫu sổ sách nguồn gốc hàng hóa và kiểm tra việc ghi chép của các hộ kinh doanh trong chợ; yêu cầu 100% hộ kinh doanh ký cam kết bán hàng rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cũng nhấn mạnh, trong quản lý về ATVSTP, quan trọng nhất là phải thay đổi được tập quán kinh doanh và giải quyết vấn đề gian lận thương mại. Nếu không giải quyết được 2 khâu này thì mọi nỗ lực quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nói về việc TP HCM làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhưng Hà Nội chưa triển khai được, chuyên gia kinh tế La Văn Thái cho rằng, cơ quan quản lý phải tăng cường việc kiểm tra không phải nhằm mục đích phạt tiền mà quan trọng là để chấn chỉnh, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện tốt công tác ATVSTP. Ngoài ra, việc kiểm tra công khai cũng là để tránh tình trạng cán bộ kiểm tra “tiêu cực” để lờ đi những sai phạm. “Đây là những công việc khó nhưng phải cố gắng và phải kiên quyết mới thực hiện được. Song song với việc tăng cường quản lý ở các chợ đầu mối thì chính quyền địa phương phải dẹp bỏ các chợ tạm, chợ cóc để người dân có thói quen chọn mua thực phẩm ở nơi đã được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng”, ông Thái chia sẻ. |