Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Bất động sản năm 2017 tiếp tục xu thế... chững lại

Bất động sản năm 2017 tiếp tục xu thế... chững lại
Dự báo thị trường bất động sản năm 2017 sẽ tiếp tục xu thế chững lại. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng khó xảy ra tình trạng "bong bóng" trong những tháng cuối năm nay và năm 2017.

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), thị trường bất động sản (BĐS) 9 tháng đầu năm nay vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng sau khi phục hồi kể từ cuối năm 2013. Dù thị trường trong ngưỡng an toàn nhưng đã có dấu hiệu chững lại và tiềm ẩn những nhân tố bất ổn. Nếu không được xử lý kịp thời, thỏa đáng những tiềm ẩn này thì có thể gây tác động xấu đối với sự ổn định của thị trường BĐS.

Do ngành BĐS tiêu thụ hàng ngàn sản phẩm của các ngành kinh tế khác nên đối tượng bị ảnh hưởng trước hết là người mua nhà, nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển BĐS, nhà thầu, nhà cung cấp vật tư thiết bị, các ngân hàng thương mại, công nhân lao động... và có thể tác động tiêu cực đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế dự báo thị trường BĐS các tháng cuối năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng nhỉnh hơn so với quý 3, do từ nay đến Tết Đinh Dậu là giai đoạn cao điểm trong năm. Nhưng về tổng thể thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại so với năm 2015.

"Dự báo thị trường BĐS năm 2017 cũng sẽ tiếp tục xu thế chững lại. Tuy nhiên, khó xảy ra tình trạng "bong bóng" BĐS trong những tháng cuối năm 2016 và năm 2017", TS Chí Nhân nói.

Hiện nay, cũng có tình trạng gia tăng các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, nhưng tỷ lệ mới ở mức trên dưới 50% trong phân khúc BĐS cao cấp

Các chuyên gia BĐS cũng đều nhận định rằng, "bong bóng" BĐS chỉ xuất hiện nếu nền kinh tế phát triển theo dạng "nóng". Tuy nhiên, năm 2016, GDP có thể khó đạt chỉ tiêu 6,7%, nền kinh tế nước ta chưa phát triển nóng mà vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, tăng trưởng chậm.

"Nền kinh tế phát triển nóng là nền tảng để phát sinh "bong bóng" BĐS, do các doanh nhân và người dân cũng sẽ dễ kiếm tiền, từ đó sẽ chuyển qua đầu tư BĐS, hoặc mua BĐS làm tài sản để dành. Thế nhưng, hiện chưa có tình trạng này", chuyên gia Phan Công Chánh nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, "bong bóng" chỉ xảy ra khi chính sách tín dụng bị buông lỏng, điều kiện cho vay tín dụng dễ dãi, dưới chuẩn; có sự phát triển lệch pha cung - cầu trên thị trường BĐS; có sự gia tăng rất lớn các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, được dẫn dắt bởi một số người đầu cơ chuyên nghiệp, tạo sóng và lướt sóng. Và quan trọng nhất, "bong bóng" sẽ trở lại nếu Nhà nước không sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế, tín dụng và công cụ về quy hoạch.

Ông Châu kể lại rằng, năm 2007, tỷ lệ mua đi bán lại chiếm đến 70-80% giao dịch trên thị trường là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến "bong bóng". Hiện nay, cũng có tình trạng gia tăng các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, nhưng tỷ lệ mới ở mức trên dưới 50% trong phân khúc BĐS cao cấp. Tuy chưa có dấu hiệu xuất hiện các nhà đầu cơ chuyên nghiệp nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường BĐS thứ cấp.

Do đó, "Nhà nước cần điều chỉnh chính sách, cơ chế để điều tiết thị trường; doanh nghiệp cần tái cấu trúc đầu tư, tái cơ cấu dự án để điều chỉnh sản phẩm BĐS sang các phân khúc thị trường đang có nhu cầu thực và có tính thanh khoản cao. Người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp cần tỉnh táo để đưa ra quyết định đúng đắn, kịp thời, tránh đầu tư lướt sóng theo số đông", ông Lê Hoàng Châu nói.

Công Quang

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây