Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Bất động sản "bất động" vì... "ông Công"

Bất động sản "bất động" vì... "ông Công"
Khu vực cảng Cát Lái, cửa ngỏ phía Đông TPHCM được đánh giá là nơi sôi động của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, do thiếu hụt vốn đầu tư cộng thêm hệ thống giao thông còn nhiều hạn chế, nơi đây vẫn chưa được nhiều “ông lớn” mạnh dạn đầu tư.

Giao thông "ngán đường" bất động sản

Theo phân tích của giới chuyên môn, khu vực Cát Lái, Q.2 (nằm ở cửa ngõ phía Đông của TPHCM) là nơi có địa thế "tọa sơn hướng thủy”, vừa nằm kề trung tâm thành phố vừa có cảng Cát Lái sầm uất. Không chỉ thế, khu vực này còn được cho tâm điểm của vùng tam giác kinh tế miền Nam bao gồm TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu. Chính vì vậy, nơi đây cũng được đánh giá là thị trường bất động sản (BĐS) có nhiều tiềm năng, góp phần tạo nên những “cơn sốt” tại thành phố năng động nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tiềm năng đó của khu vực Cát Lái vẫn chưa được khai thác tốt. Mặc dù là tâm điểm của thị trường BĐS khu vực phía Đông TPHCM nhưng giá đất nền ở Cát Lái còn khá thấp..

Điều khiến khách hàng ngần ngại trong việc "vung tiền" chính là đường dẫn vào những dự án "đỉnh" ở cửa ngõ phía Đông TPHCM có quá nhiều "ông" container

Lý giải nguyên nhân BĐS khu vực phía Đông TPHCM nói chung và Cát Lái nói riêng có tiềm năng nhưng chưa thể “bùng nổ”, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nơi đây mặc dù có địa lợi nhưng lại thiếu hụt về nguồn vốn. Đặc biệt, cơ sơ hạ tầng chưa được đầu tư mạnh, giao thông đường bộ cũng còn khá nhiều điểm hạn chế.

Theo ghi nhận của PV, tuyến đường Đồng Văn Cống thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe kéo dài từ cầu Giồng Ông Tố, P.Bình Trưng Tây, Q.2 tới tận cảng Cát Lái. Ngoài ra, không phải giờ cao điểm nhưng khu vực vòng xoay cầu Mỹ Thủy luôn phải nhờ lực lượng chức năng tham gia điều tiết mới có thể giữ cho các phương tiện không dồn thành cục.

Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết, lượng phương tiện ra vào cảng Cát Lái hiện rất lớn. Tính riêng trong sáu tháng đầu năm 2016 đã có trên 5 triệu lượt phương tiện ra vào cảng Cát Lái, trong đó có tới 3.157.000 lượt xe container, xe tải nên trung bình mỗi ngày có gần 20.000 lượt phương tiện lưu thông. Tuyến đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định hay tuyến đường nối dẫn từ cầu Phú Mỹ ra vòng xoay cầu Mỹ Thủy đã xảy ra nhiều vụ kẹt xe nghiêm trọng kéo dài.

Ra đường sợ nhất... "ông Công"

Tại nút giao thông rẽ vào cổng số 3 của cảng Cát Lái, dự án căn hộ chung cư Citisoho của Công ty Cổ phần Kiến Á (Kiến Á Group) đã hoàn thành và đang tiến hành mở bán căn hộ. Khu này còn góp mặt của những "đại gia" như dự án Lexington Residence, Lakeview (Novaland), hay xa hơn một chút là Melosa Garden, Lucasta Villa (Khang Điền)... Tuy nhiên, điều khiến khách hàng ngần ngại trong việc "vung tiền" chính là đường dẫn vào những dự án "đỉnh" này có quá nhiều "ông" container.

"Nếu ở nội thành thị né hung thần xe buýt thì ở khu Cát Lái, ra đường sợ nhất ông "công", tức ông container. Lúc nào qua khu này cũng lo sợ như... rụng tim", chị Thanh Vy, một nhà đầu tư BĐS từ Hà Nội chia sẻ.

Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết, lượng phương tiện ra vào cảng Cát Lái hiện rất lớn

Đáng chú ý, đất tại khu vực này đã từng xảy ra “sốt giá”. Đỉnh điểm của sự tăng giá đất là sau khi một số dự án nhà phố liền kề mang những cái tên rất Tây như: Citibella, CitiHome, Ventura, Gia Cát Garden… xuất hiện vào cuối năm 2015. Không chỉ vậy, theo thông tin quy hoạch thì khu vực này được đánh giá cao về các tiềm năng BĐS. Thế nhưng, sau “cơn biến động” đó, nhiều đại gia BĐS cũng như những “thượng đế” lại lắc đầu ngao ngán, không dám chọn Cát Lái là “bến đỗ”. Bởi lẽ, họ cho rằng hạ tầng ở đây chưa được đầu tư nhiều, giao thông thì gần như là “dậm chân tại chỗ”. Điều đó cũng khiến các nhà đầu tư cảm thấy bất an nếu dốc toàn lực đầu tư vào “địa lợi” này.

Để giải quyết tình trạng ùn ứ tại khu vực Cảng Cát Lái và vùng lân cận, ngày 28/7/2016, cơ quan chức năng TPHCM đã tổ chức một cuộc họp bàn tìm giải pháp.

Tại cuộc họp này, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề nghị thành lập Đoàn liên ngành nhằm kiểm tra thực tế và giải quyết khẩn cấp tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường quanh khu vực Cảng Cát Lái.

Rõ ràng, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng là rất cần thiết để giúp khu vực cửa ngõ phía Đông của TPHCM giảm thiểu được tình trạng ùn ứ, kẹt xe kéo dài. Từ đó góp phần đổi mới bộ mặt hạ tầng, hệ thống giao thông của khu vực Cát Lái và là một cơ hội để BĐS có điều kiện lột xác, bước lên một tầm cao mới.

"Cát Lái là một điểm sáng BĐS của TPHCM. Thế nhưng cơ sở hạ tầng ở đây còn chậm phát triển, giao thông không thật sự thông thoáng, tai nạn giao thông xảy ra liên tục… Đó chính là rào cản rất lớn ảnh hưởng tới sự “lột xác” của BĐS khu vực này. Nếu giao thông ở đây được đầu tư phát triển hơn nữa, tôi tin thị trường BĐS tại cửa ngõ phía Đông TPHCM sẽ có những “bước nhảy” đột biến”, Giám đốc một sàn phân phối BĐS nhận định.

Tuy nhiên, chỉ nâng cấp hệ thống giao thông hiển nhiên sẽ không đủ “nội lực” để làm cho BĐS khu vực Cát Lái “lên ngôi”. Bên cạnh sự đầu tư về hạ tầng, cũng cần phải tuân thủ, thực hiện tốt các quy phạm pháp luật thì thị trường BĐS mới có thể phát triển bền vững.

"Để Việt Nam nói chung, Hà Nội và TPHCM nói riêng là điểm đến của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào BĐS, Chính phủ phải tiếp tục hợp lý hóa các quy phạm pháp luật để làm cho nó hấp dẫn với các nhà đầu tư. Họ đang làm và sẽ tiếp tục làm điều đó. Khi chúng tôi tư vấn cho các nhà đầu tư, so sánh thị trường Việt Nam với Myanmar hay Thái Lan, một trong những mặt tích cực là quy phạm pháp luật của chúng ta không được phát triển theo hướng tích cực", ông Ban Gray Mrics, Giám đốc Đầu tư Cushman và Wakefiel Việt Nam nói.

Công Quang

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây