Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


BIDV bất ngờ thông báo đại hội cổ đông bất thường

BIDV bất ngờ thông báo đại hội cổ đông bất thường
BIDV thông báo tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016, nhưng các nội dung sẽ được thảo luận và lấy ý kiến, cũng như thời gian tổ chức kỳ họp bất thường vẫn chưa được nêu rõ.

Ngày 7/9, ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên phụ trách HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV - mã: BID) đã ký quyết định tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường thay vì lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản như thông báo ngày 6/9.

Các nội dung sẽ được thảo luận và lấy ý kiến tại kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường sắp tới vẫn chưa được nêu rõ. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông tham dự là 22/9.

Theo dự đoán, đại hội đồng cổ đông bất thường của BIDV lần này có liên quan tới việc bổ nhiệm nhân sự thay cho vị trí Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà vừa nghỉ hưu.

Ngày 1/9 vừa qua, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV đã nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Thay vào đó, ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT BIDV được HĐQT bầu phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra quyết định về việc thôi cử ông Trần Bắc Hà làm người đại diện 40% phần vốn Nhà nước tại BIDV.

BIDV bất ngờ thông báo đại hội cổ đông bất thường

6 tháng đầu năm, BIDV lãi trước thuế đạt 3.327 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ nhưng nếu không tính khoản lãi đột biến từ việc bán ngân hàng liên doanh VID Public (827 tỷ đồng) thì lợi nhuận của ngân hàng chỉ còn 2.500 tỷ đồng, giảm 19%.

Chất lượng tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tuy nhiên, nợ xấu theo giá trị tuyệt đối tại ngân hàng này tăng tới 31% so với cuối 2015. Cụ thể, tổng nợ xấu của BIDV đến 30/6 đã tăng thêm hơn 3 nghìn tỷ đồng, lên tới hơn 13 nghìn tỷ đồng so với cuối 2015.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 được tổ chức vào ngày 24/4, cổ đông BIDV đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 8,5% với hình thức phát hành cổ phần để trả cổ tức.

Tuy nhiên, sau đó, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và VietinBank biểu quyết, chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước tại hai ngân hàng trên vào ngân sách nhà nước.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn là cổ đông nắm quyền chi phối tuyệt đối tại BIDV với tỷ lệ sở hữu lên tới 95,28%.

Nguyễn Hiền

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây