Bình Định: Nông dân tự chế thiết bị nâng nhiệt khử trùng nấm hiệu quả cao
- Thứ bảy - 13/08/2016 10:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 19/4, Hội Nông dân tỉnh Bình Định tổ chức trao giải Hội thi “Sáng tạo nhà nông” năm 2015 cho những nông dân có những giải pháp nghiên cứu, cải tiến các sản phẩm phục vụ trong lao động, sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho giải pháp: “Thiếp bị nâng nhiệt khử trùng nấm” của nông dân Đỗ Đình Hòa (54 tuổi, ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định), hai giải Nhì là ông Huỳnh Văn Lam (53 tuổi, ở tổ 2, khu vực 3, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn), với giải pháp “Cải tiến kỹ thuật nuôi chim Bồ Câu Pháp lấy thịt đạt hiệu quả kinh tế cao” và ông Vương Hữu Thuận (ở thôn Hội Lộc, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát), 3 giải Ba gồm các nông dân: Huỳnh Tiễn (ở thôn Tân Thanh, xã Cát Hải, huyện Phù Cát), với giải pháp “Máy trỉa đậu phụng đa năng”, ông Phạm Văn Khoa (ở thôn Hòa Hiệp, xã Cát Tài, huyện Phù Cát), với giải pháp “Máy cày phục vụ nông nghiệp” và giải pháp “Hệ thống sấy nông sản và đặc sản tiết kiệm”, của nông dân Nguyễn Hữu Vinh (ở khối 8 thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn).
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 5 giải khuyến khích với các giải pháp: Chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có hiệu quả kinh tế cao (Cây Chuối tiêu hồng); hệ thống rây, trộn bột cưa và nguyên liệu sản xuất phôi nấm bằng máy…
Nông dân Đỗ Đình Hòa (54 tuổi, thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định) đạt giải Nhất với giải pháp: “Thiết bị nâng nhiệt khử trùng nấm”, cho biết: Ưu điểm của thiết bị nâng nhiệt khử trùng nấm này có tính khả thi cao, chi phí chế tạo đơn giản, có thể áp dụng rộng rãi; giải pháp này còn được áp dụng trong các công việc khác như: là bằng hơi nước trong công nghiệp… Đặc biệt đạt hiệu quả kinh tế cao trong sản xấu nấm: tỷ lệ thành phẩm bịch phôi tăng từ 75 lên 98%, tăng thêm thu nhập từ 20-30 triệu đồng/vụ, tạo việc làm cho khoảng 60 lao động.
Bà Lê Thị Kim Mai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định cho biết, sau 1 năm phát động có 11 giải pháp thuộc các lĩnh vực như: Cơ khí (6 giải pháp); trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ sinh học. Bên cạnh, những giải pháp được đầu tư công phu, theo quy trình chặt chẽ, có những giải pháp rất đơn giản, thiết thực, gần gũi được bà con áp dụng hiệu quả.
Một số giải pháp tuy không phải là sản phẩm hoàn toàn mới của nông dân. Tuy nhiên xuất phát từ thực tế trong lao động sản xuất, bà con nông dân đã phát huy tính sáng tạo, tự mày mò, nghiên cứu, cải tiến các sản phẩm đó thành sản phẩm của mình nhằm giảm chi phí về vật tư, lao động, góp phần làm tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
“Qua hội thi này đã khơi dậy, động viên tính năng động, sáng tạo của hội viên nông dân trong lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật và quy trình, giải pháp công nghệ mà người nông dân đã cải tiến, cải tạo mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn trên địa bàn tỉnh.”, bà Mai nói.
Doãn Công