Tôm hùm ở vùng biển Mỹ đứng trước nguy cơ biến mất
- Thứ tư - 12/10/2016 08:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những con tôm hùm non ở vùng biển Mỹ đang bị môi trường nước biển ấm lên đe dọa. Ảnh minh họa: Yahoo. |
Quá trình tăng nhiệt độ nước biển ở vịnh Maine và axit hóa đại dương đang khiến ấu trùng tôm hùm bị ảnh hưởng, tác động xấu đến ngành công nghiệp đánh bắt tôm hùm của Mỹ, theo nghiên cứu của Đại học Maine kết hợp với Phòng thí nghiệm Khoa học Đại dương, Mỹ, công bố trên Tạp chí Khoa học biển ICES hôm 15/9.
Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc dự báo nhiệt độ nước ở vịnh Maine sẽ tăng hơn 3°C vào năm 2100, theo Tech Times.
Các nhà khoa học tiến hành nuôi 3.000 con tôm hùm ngay sau khi chúng nở và quan sát quá trình phát triển của chúng. Kết quả cho thấy, hiện tượng axit hóa đại dương không phải là mối đe dọa quá nghiêm trọng đối với sự sống của ấu trùng tôm hùm. Nhưng khi chúng được nuôi trong môi trường nước có nhiệt độ cao hơn 3°C so với nhiệt độ nước hiện nay ở Vịnh Maine, chúng phải đấu tranh để sinh tồn.
"Ấu trùng tôm phát triển nhanh hơn gấp đôi so với khi chúng sống ở nhiệt độ nước bình thường hiện nay là 16°C, nhưng khả năng sống sót của chúng thấp hơn đáng kể", Jessica Waller, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Năm 2015, các ngư dân ở tiểu bang Maine thu được lợi nhuận khoảng 495,4 triệu USD từ việc đánh bắt tôm hùm. Sự thay đổi bất thường của khí hậu sẽ gây ra thiệt hại đáng kể đến ngành khai thác tôm hùm ở phía nam khu vực New England, Mỹ, trong tương lai, Waller nhận định.
Hiệp hội Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ cảnh báo nhiệt độ nước ở Vịnh Maine đang ấm lên nhanh hơn 99% so với bất kỳ vùng biển nào khác. Những con cá tuyết sống ở nước lạnh đang dần biến mất khỏi khu vực này.
Xem thêm: Thợ lặn Anh bắt được tôm hùm khổng lồ gần 70 tuổi
Lê Hùng